Chuyện Vũ Công Lập: Cuộc chiến
1. Cứ vẫn lấy cầu thủ làm trọng tâm, ta sẽ có cuộc chiến của cầu thủ với chính bản thân mình: Chống lại chấn thương. Số chấn thương rất nhiều, diễn ra liên tục, không có dấu hiệu kết thúc. Tỷ lệ tái phát chấn thương cũng rất cao, thời gian chữa trị lại khá dài. Nói tóm lại, trước khi bị đối thủ đánh gục, cầu thủ đã chịu thua mất rồi.
Mà đây là cầu thủ trong giai đoạn sung sức nhất, hào hùng nhất của tuổi trẻ. Chứ sau này, khi về già, lúc mọi thứ đã qua đi chỉ còn sức khỏe là quý giá nhất, những chấn thương ấy quay lại hành hạ, cầu thủ sẽ lại thua thêm một cuộc chiến nữa.
Tuy nhiên, World Cup là một giải đấu lớn nhất hành tinh. Vai trò quan trọng nhất đương nhiên thuộc về ban tổ chức. Liệu ban tổ chức có thắng trong cuộc chiến 2014 hay không? Vì có vô số hiểm họa đang rình rập. Đó là cuộc chiến chống lại thời gian, để hoàn thành công tác chuẩn bị trước giờ khai mạc.
2. Hai ngày trước thời điểm trọng đại ấy, ở Sao Paulo- nơi mở màn World Cup, sân vận động vẫn chưa hoàn tất, đường cao tốc vẫn còn dở dang, lại kèm thêm một tai nạn chết người rất thương tâm... Đó cũng là cuộc chiến vì công bằng xã hội. Công nhân giao thông dự định tổ chức bãi công, người ta cũng đang tính cùng nhau tổ chức biểu tình...
Liệu khai mạc sẽ ra sao nếu xảy ra những chuyện như vậy? Chưa bao giờ một ngày hội bóng đá lại trở thành một cuộc chiến gian nan như năm nay. Cái mà năm 2010, năm 2012 mới như một ám ảnh, thì 2014 đã thực sự trở thành hiểm họa.
World Cup không thuộc về một quốc gia nào cả, nó là của FIFA. Sepp Blatter và các quan chức dưới quyền ông luôn nhấn mạnh điểm này. Cho nên, người biểu tình Brazil có một khẩu hiệu: World Cup thuộc về nhân dân. FIFA cũng là một đối tượng của sự chỉ trích.
Và FIFA cũng phải vượt qua cuộc chiến cam go này. Kèm theo đấy, là câu chuyện bí ẩn liên quan đến một đất nước có rất nhiều dầu hỏa là Qatar, nơi bất ngờ và quá sớm sủa nhận được quyền đăng cai World Cup 2022 từ năm 2010! Bên cạnh cuộc chiến vì dân chủ, FIFA phải giải quyết cuộc chiến chống tham nhũng, cho dù suy đến cùng thì đây là chuyện “hai trong một”.
3. Với bóng đá, kinh tế đang là mặt nổi bật. Có một từ hay được nói đến: Nhà tài trợ. Cuộc chiến trong lĩnh vực này cũng khốc liệt. Đã từng có cuộc chiến giữa Visacard và Mastercard, một lịch sử sặc mùi tham nhũng. Bây giờ là cuộc chiến giữa Adidas và Nike. Cuộc chiến về quần áo thi đấu, về giầy đá bóng và về chính quả bóng.
Năm nay trọng tâm có vẻ nghiêng về đôi giầy. Adidas đầy quyết tâm với khẩu hiệu “tất cả hay không có gì”, còn Nike lại đặt hy vọng vào công nghệ mới - đôi giầy “Magista” của họ là sự phối hợp giữa giầy và tất. Chúng ta đều hiểu, từ đôi chân cầu thủ, hai hãng này đang muốn bán hàng triệu triệu đôi ra cả thế giới. Những cuộc chiến như vậy đều có ảnh hưởng đến bóng đá cả đấy.
Các cuộc chiến liên quan đến World Cup cũng là chuyện trực tiếp của chính chúng ta. Nghĩ lại cuộc chiến bản quyền truyền hình vẫn cứ thấy ghê ghê. Bây giờ là cuộc chiến để đảm bảo chất lượng mọi hoạt động truyền thông. Khán giả đang đứng trước sự cam go cuả cuộc chiến để tìm cách thích hợp nhất xem, nghe và đọc. Cuộc chiến ấy đang thực sự bắt đầu, và kéo dài hơn một tháng.
Mà thực ra, chúng ta đang muốn thưởng thức một World Cup hấp dẫn, nhiều mầu sắc.
Vũ Công Lập
Thể thao & Văn hóa