Chuyện vỉa hè: Thôi thì lại 115
(Thethaovanhoa.vn) - Trận đánh lớn của Bộ GD&ĐT trong mùa xét tuyển ĐH, CĐ năm nay, coi như…thắng lợi hoàn toàn. “Địch” đã phải dùng mọi phương tiện để tháo chạy… hồ sơ xét tuyển, kể cả phương tiện khẩn cấp như xe cứu thương 115.
Cũng phải công nhận là ý định của Bộ, gom 2 kỳ thi làm một, là một ý định rất tốt. Và như thông tin Bộ đưa ra ngày 23/8: có 350 ngàn/530 ngàn thí sinh trên toàn quốc đã đỗ theo nguyện vọng 1 của mình. Số thí sinh gặp phải vấn đề, phải rút và nộp hồ sơ là dưới 43 ngàn (43 ngàn là số lượt rút và nộp ).
Tức là chỉ 9% tổng số thí sinh. Cụ thể hơn nữa là trong hơn 500 trường đại học trên toàn quốc thì chỉ có 30 trường gặp phải tình trạng quá tải trong việc rút và nộp hồ sơ một cách thủ công. Báo chí và mạng xã hội chăm chăm đi khai thác những mặt tiêu cực.
Còn gia đình và thí sinh chưa quen, chưa thích ứng với việc tìm hiểu thông tin và sử dụng các biện pháp công nghệ hỗ trợ đã được tạo sẵn.
Tóm lại, như lập luận của Bộ, thì cái gì đầu tiên cũng phải chuệch choạc, phải chấp nhận có sai sót, phải có không công bằng ở đây ở kia. Rằng so với tổng số thí sinh trót lọt thì số thí sinh vướng mắc oan sai nhầm lẫn đáng tiếc... chỉ chiếm % rất nhỏ.
Rối loạn cơ bản là do gia đình thí sinh, bản thân thí sinh quá chú trọng con đường đại học, lại chưa được tập huấn, chuẩn bị kỹ về các tình huống có thể xảy ra trong suốt quá trình online (nghẽn mạch, mất điện...) và nói chung kém sự tin tưởng, nên cứ lao đến trường chầu trực cho chắc ăn .
Cứ cho là Bộ đúng một phần, vì Bộ trưởng cũng đã nhận trách nhiệm rồi. Nhưng vấn đề chính yếu và sau cùng cần rút ra sau kỳ xét tuyển ĐH, CĐ năm nay là gì: Phụ huynh cần phải thay đổi, chứ không phải nền giáo dục.
Cũng chẳng đâu như phụ huynh cái nước này. Chưa xong vụ thi cử xét tuyển đã lại ồn lên vụ sách giáo khoa dạy trẻ em đi trên thủy tinh. Đây cùng là ý tốt mà, dạy trẻ em lòng dũng cảm và không biết sợ. Thủy tinh cho các em bước qua, như một số phóng viên vội vã lao đi kiểm nghiệm, cũng là thứ thủy tinh không nguy hiểm, không gây đau đớn. Cũng là thể nghiệm thôi…
Phải cái, cả nghìn năm coi trọng bằng cấp rồi, lên cao, chức này chức nọ, ắt có đính kèm mác học hàm học vị, có học hàm học vị cũng lui được tuổi về hưu. Nên gì thì gì, có học đúng ngành mình muốn hay không, cứ là đậu đại học đã. Muốn thể nghiệm cùng nên từ tốn.
Đi trên thủy tinh cũng thế, thể nghiệm thì đừng đưa vào sách, nhỡ lũ nhỏ hăng hái thừa dũng cảm đập chai lọ để đi lên trên thật thì sao?
À mà chẳng sao, gọi 115. Có tiền lệ rồi.
Sắp tới rồi đây sẽ có hoạt động liên ngành y tế và giáo dục trong khâu cấp cứu. Cha mẹ học sinh và học sinh hãy yên tâm!
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần