Chuyện vỉa hè: Khối người giật mình
(Thethaovanhoa.vn) - Ngôi biệt thự cổ số 109 phố Trần Hưng Đạo bỗng dưng đổ sập. Chuyện chẳng mới gì, nhưng vẫn còn khiến khối người giật mình.
Hai người chết, sáu người bị thương… Cứ nghĩ sau đó thành phố sẽ vội vã khảo sát, lên kế hoạch tu sửa, duy tu, bảo dưỡng ngay lập tức để ngăn chặn những vụ tương tự ở ngôi nhà cũ nát. Hơn hai trăm nhà, biệt thự cũ nát, đã có thống kê như thế, chưa kể hàng chục chung cư nếu gọi là nát thì nhẹ quá, rách nát đúng hơn. Hàng trăm gia đình, hàng chục con người, chắc không thể chậm trễ được…
Nhưng đúng là Hà Nội không vội được đâu. Vì có phải chuyện đổ hay sập nhà cũ nhà cổ là chuyện mới toe đâu. Nỗi lo lắng ám ảnh những người dân sống trong những căn nhà cũ nát là nỗi lo có từ hàng chục năm nay. Lo đến quen rồi ấy chứ.
Nói chung, nếu sợ chết thì đừng ở, hoặc muốn ở, vì không dời đi đâu được, không có chỗ nào để dời đi, thì hãy tự gia cố nhà mà ở. Như thế, cũng đỡ mang tiếng ỷ lại vào chính quyền.
Phải cái, việc gia cố thêm cho vững chắc thì không dễ. Không dễ đầu là về mặt thủ tục, cần xin được giấy phép của nhiều cấp UBND, từ phường, quận đến thành phố và một số cơ quan có liên quan. Ấy là còn có thể gia cố. Các khu chung cư mà sự cũ nát đã đến mức quá thể, muốn sửa cũng chẳng được.
Cũng không phải thành phố không có kế hoạch sửa chữa, chỉ là kế hoạch luôn vướng mắc nhiều vấn đề. Và vấn đề đầu tiên là… tiền đâu. Thế nên, chống thấm dột, quét vôi vàng cổ kính cho các căn nhà cũ cũng quá sức rồi.
Lo thì vẫn lo. Một khi có những sự việc đau lòng như ở căn nhà 109 Trần Hưng Đạo, nỗi lo tất yếu lại bùng phát thêm lần nữa. Nhưng rồi mà xem, vẫn phải đợi thôi. Đừng có nghĩ chính quyền không lo gì.
Rất lo ấy chứ. Khổ nỗi còn nhiều việc cần lo quá. Lo mưa, chẳng hạn thế, mưa đâu ngập đấy, thinh thoảng chỗ này chỗ kia mất nước mất điện. Dân lại kêu. Người ta đã chỉ ra một cái lỗi cơ bản tên là quy hoạch, nhưng quy hoạch là gì, do đâu bởi đâu thì rất mù mờ. Dân cứ thích mua cho rõ lắm ô-tô rồi kêu đường tắc. Lại còn vấn đề nhà vệ sinh nữa. Hết sức thiếu nhà vệ sinh công cộng, điều ấy ai cũng biết.
Nhưng thành phố quyết định một khi đã ra tay cải tạo thì quanh hồ Gươm, ba nhà vệ sinh sẽ được đầu tư thành điểm kinh doanh du lịch, mang tính văn hóa nhân văn chứ không đơn thuần là chỗ giải quyết các nỗi buồn sinh học. Còn gì vui hơn có nhà vệ sinh sang trọng, chỉ có điều, ba cái sang trọng chắc chắn không được vui mừng đón nhận bằng 10 cái nhà vệ sinh sạch sẽ.
Lại còn kinh doanh du lịch nữa… Phải thừa nhận thành phố cũng bận tâm tính toán những điều lớn hơn trong quy hoạch đô thị lắm chứ không phải đùa...
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần