Chuyện vỉa hè: Cuối năm
Vỉa hè mấy bữa nay chật chội, cuối năm, người ăn xin và bán hàng rong nhiều hơn mọi khi. Ai cũng tranh thủ mấy ngày cuối năm để kiếm thêm tí chút. Đấy cũng là lúc các lực lượng chức năng ra quân làm cái việc mà trong các văn bản của thành phố được viết là thu gom.
Mà thu gom kiểu gì, người lang thang vẫn cứ trở về với phố sau mỗi lần lên trại tập trung - người ta biết thế. Phố là nơi họ sống, nơi họ kiếm sống, kiểu gì họ cũng quay về, chẳng nơi nhốt tập trung nào giữ được họ. Còn cái sân chưa xây, còn cái mái chưa lợp, còn đứa thứ hai thứ ba cần tiền học cao đẳng hay trung cấp, thậm chí là đại học... Tóm lại, vô số lý do để tiếp tục chuyện sống bám vỉa hè, bán vé số, tăm tre, kẹo cao su hoặc đánh xi áo da, đánh giày... Kiếm sống trên vỉa hè là quyền đương nhiên của con người mà, một khi chẳng có cách nào để sống.
Tôi nghe nói kể từ ngày 28/12, TP.HCM sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội. Có một chủ trương hẳn hoi “Không cho tiền người ăn xin” để giảm đến mức tối đa những người kiếm ăn vỉa hè. Hà Nội chưa thấy đưa ra chủ trương này. Nhưng nếu không cho tiền người ăn xin, thì cả Hà Nội và TP.HCM, lượng người ăn xin chắc chắn sẽ giảm...
Chuyện này không mới đâu, khách uống nước chè nói với bà chủ quán, Đà Nẵng làm từ lâu rồi. Ở Đà Nẵng từ nhiều năm nay, khi phát hiện người ăn xin, người dân có thể thông báo tới cơ quan chức năng, họ còn được thưởng tiền khi báo tin. Nhờ thế lâu nay, Đà Nẵng là thành phố ít người lang thang nhất trong cả nước. Nhưng nếu không được ăn xin trên một số tuyến phố Đà Nẵng, người lang thang cơ nhỡ sẽ dạt về các nơi khác quanh đấy. Một số lần, người ta gom lang thang cơ nhỡ chỗ này đưa sang chỗ khác, giống như một thói quen dọn dẹp người Việt vẫn làm, quét rồi hất rác sang hàng xóm... Bản chất vấn đề chỉ là sạch nhà mình, kệ nhà bên. Việc cư xử với người lang thang đại khái cũng vậy.
Bà có cho rằng chủ trương không cho tiền người ăn xin là quá đáng không? Người khách lúc nãy hình như rất tâm tư nên vẫn gặng hỏi bà chủ quán. Tôi thấy không ổn, làm sao có thể nói ra điều ấy một cách kiên quyết như vậy. Nước mình xưa nay lá lành đùm lá rách, thấy người ăn xin mà quay lưng lại có khi lương tâm áy náy. Chẳng ai muốn thành người độc ác, quay mặt đi khi bàn tay đồng loại chìa trước mặt. Nhưng đúng là nếu cứ cho, thì không thể xuể. Như tôi hôm Chủ nhật đi chợ, một bà gặng mua tăm đầu chợ này. một cô gặng mua bút cuối chợ kia. Cả hai thứ đều không cần vì đã quá dư trong nhà. Giải quyết bằng cách đưa mỗi người 5 nghìn không phải cầm hiện vật. Nhưng đi một đoạn, lại thấy họ, quên mất mặt mình rồi, mời chào y như mới. Chán, không đưa tiền nữa đã đành, còn phải cố kìm cơn bực bội vì cảm giác bị đeo bám... Thật sự lúc ấy rất mong thành phố có chiến dịch thu gom người lang thang, để không bị quấy rầy.
Nhưng không cho người ăn xin tiền nữa, lại là một vấn đề rất khác. Nó liên quan đến lòng trắc ẩn của mỗi người. Giờ đã cuối năm. Ai có nhà ở quê cũng đều muốn về, chẳng cần thu gom hay đuổi. Chỉ có điều, về thế nào? Hai bàn tay trắng, không công việc, không tiền bạc... Có nên cho họ hay không?
Tóm lại, việc người xin ăn lang thang phải được giải quyết theo hướng căn bản, thiết thực và bền vững. Việc ấy bà chủ quán nước chè không làm được, bà chỉ biết cầu Phật phù hộ cho những người lang thang có một chỗ ấm để về.
Dẫu sao thì Tết cũng sắp rồi.
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần