Chuyện về chiếc 'áo dài quyền lực'
(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, trên mạng xã hội lại rộ lên những tranh luận về đoạn clip mà Lý Nhã Kỳ và Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh xuất hiện trong một buổi đấu giá áo dài làm từ thiện.
- Luật sư lên tiếng về ồn ào quanh vương miện của Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh
- Hoa hậu Đại dương 2017 Lê Âu Ngân Anh nói gì về đồ hiệu và gia thế 'khủng'?
Thoạt đầu mọi người công kích Hoa hậu Ngân Anh vì cho rằng cô “lật kèo” khi trả giá chiếc áo dài 700 triệu đồng rồi lại không mua, mà người mua lại là Lý Nhã Kỳ với giá 300 triệu đồng.
Sau khi Ngân Anh lên tiếng minh oan cho mình về đoạn clip mà cô cho là đã cắt cúp theo ý đồ của người tung lên thì cư dân mạng lại chuyển hướng sang tấn công Lý Nhã Kỳ, họ mổ xẻ những lời cô nói về “quyền lực” từ chiếc áo dài của nhà thiết kế Đinh Văn Thơ.
Nhiều người cho rằng khi Lý Nhã Kỳ nói về “quyền lực áo dài” là chưa hiểu gì về lịch sử trang phục. Nhiều người cũng cho rằng cách nói của Lý Nhã Kỳ là đang "đá xéo" Hoa hậu Ngân Anh.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng đây là một buổi đấu giá từ thiện, nơi Lý Nhã Kỳ và Ngân Anh xuất hiện như là những khách mời, họ cầm micro để tạo cảm hứng, để kích giá cho vật phẩm - cụ thể ở đây là chiếc áo dài - đạt đến giá cao nhất, nhằm quyên góp cho đồng bào lũ lụt. Lý Nhã Kỳ và Ngân Anh không phải đang phát ngôn về quyền lực áo dài hoặc ý nghĩa của trang phục, nên có vẻ như nhiều người đã quá xét nét về điều này.
Ngay cả việc Lý Nhã Kỳ tặng áo dài cho Ngân Anh với câu nói đùa rằng chiếc áo 300 triệu đồng này sẽ giúp cho tân Hoa hậu Đại dương trông “quyền lực hơn” có thể chưa được khéo léo, nhưng cũng không nên tách riêng ra để luận bàn như một hành động phát ngôn về áo dài, hoặc có ý đồ này kia. Đành rằng lâu nay Lý Nhã Kỳ cũng vài lần gặp vấn đề với lời ăn tiếng nói của mình, mà trong đó sự thiếu khéo léo là thường gặp.
*****
Nếu bỏ qua lời nói đùa thiếu khéo léo kia của Lý Nhã Kỳ, thì thực sự áo dài quyền lực tới cỡ nào? Trong lịch sử trang phục nước ta, chiếc áo dài tân thời mà phụ nữ hiện dùng thật ra cũng chưa bao giờ được “biên chế” để thể hiện cho quyền lực. Như trước đây, vua, hoàng hậu hay các quan… đều có trang phục riêng thì có thể nói trang phục ấy mới phản ánh được quyền lực của người mặc nó. Áo dài thì khác, nó là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, nhưng đại diện cho vẻ đẹp thướt tha, thanh tao, chứ chưa phải quyền lực.
Đành rằng “người đẹp vì lụa”, nhưng nếu hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen thì hơi thô thiển. Bởi xưa nay, đúng là trang phục tôn vinh nét đẹp bên ngoài của người mặc nó. Nhưng nó chỉ đẹp khi trang phục ấy thật sự hợp với người đang mặc. Nghĩa là có thể nhìn ngược lại, chính người mặc cũng tôn vinh cái đẹp của trang phục - “lụa đẹp vì người”. Vậy thì áo dài có thể không tượng trưng cho quyền lực, nhưng có nhiều người - nhờ sức tác động, ảnh hưởng của bản thân - có thể tạo ra quyền lực gián tiếp cho chiếc áo dài.
Trở lại với clip đã đề cập ở trên, nếu bình tâm xem toàn bộ, có thể thấy đó là lời nói đầy ngẫu hứng, nên Lý Nhã Kỳ đã gặp vấp váp này kia. Và chữ quyền lực từ áo dài 300 triệu đồng, hoặc quyền lực từ thần thái người mặc ở đây cũng chỉ mang ý nghĩa tương tự như câu “người đẹp vì lụa”.
Tuy nhiên, Lý Nhã Kỳ cũng cần rút kinh nghiệm hơn khi nói về một điều gì đó trước công chúng, vì không thể phủ nhận cô đang là người có sức thu hút, bị soi cũng là dễ hiểu. Nhiều người cũng cần bình tâm và bao dung hơn khi phê bình, lên án một điều gì đó, để cuộc sống bớt nhiễu động bởi những điều không đáng có.
Vô Ưu