Chuyện ồn ào từ bức tượng sáp không giống GS Trần Văn Khê
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, tượng sáp của GS Trần Văn Khê đang trưng bày tại Bảo tàng tượng sáp văn nghệ sĩ Việt Nam ở Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) đã được rút xuống để sửa chữa vì bị cho rằng không giống.
- Vẫn chưa rõ 'số phận' ngôi nhà của GS Trần Văn Khê
- Chùm ảnh: Hàng nghìn người tiễn đưa GS Trần Văn Khê
- GS Trần Văn Khê: Ra đi vẫn còn những băn khoăn
Công bằng nhìn nhận thì khó có ai đã biết đến GS Trần Văn Khê lại nói bức tượng này là không phải Trần Văn Khê. Điều này cho thấy các nghệ nhân đã có nỗ lực trong việc tạo ra bức tượng, vậy là tương đối thành công.
Hơn nữa, khi họ tạo tác, Trần Văn Khê đã qua đời, nên được Trần Quang Hải cho phép lấy số đo bản thân để phóng tác. Đây là thách thức đầu tiên, vì Trần Quang Hải và Trần Văn Khê có nhiều khác nhau: tuổi tác, chiều cao, cân nặng, thần thái… nên việc tạo tác tượng sẽ có sự sai lệch là đương nhiên. Tượng tại khu trưng bày hơi trẻ so với lúc GS Trần Văn Khê mất cũng là bình thường và dễ hiểu.
Nhưng với GS Trần Văn Khê, đây còn là điều may mắn, vì phim ảnh, hình ảnh và con cái của ông còn tại thế, nên các nghệ nhân có nhiều cơ sở để dựa vào để tạo tác. Giả dụ bây giờ làm tượng Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… thì biết dựa vào đâu, nên thực tế có rất nhiều tượng khác nhau của các vị, nhưng vì tin yêu, nhân dân vẫn thờ cúng một cách trang trọng.
Một danh nhân văn hóa như đại thi hào Nguyễn Du, khi làm tượng, dù đã đọc hết trước tác của ông, nhà điêu khắc cũng khó hình dung ra ông là người thế nào, nên đành nhờ người cháu được xem là có nét giống với Nguyễn Du ngồi làm mẫu. Hiện bức tượng này được trưng bày chính tại Khu lưu niệm Nguyễn Du, Hà Tĩnh. Bây giờ nhiều nơi tạc tượng Nguyễn Du cũng dựa vào đây để làm theo.
Lịch sử điêu khắc cho thấy, một bức tượng được xem thành công khi nó toát lên thần thái của nhân vật, chứ không phải “bê nguyên si” chiều cao thân thể, áo quần, phụ kiện của nhân vật đó. Tượng thần Vệ Nữ bị cụt hai tay vẫn là tuyệt tác; nhiều tượng bán thân, nửa mặt… vẫn tạo nên hồn cốt của cả nhân vật. Thiên tài như Auguste Rodin cũng bị đánh rớt khi dự thi các tượng giống như người thật về Denis Diderot, Jean-Jacques Rousseau, Lazare Carnot, nhưng rất nổi tiếng ngẫu hứng làm tượng thánh Jean Baptiste khỏa thân, không theo đơn đặt hàng và không giống như thật.
Một người con của GS Trần Văn Khê bây giờ, cũng như một người em của Trịnh Công Sơn trước đây chê tượng sáp chưa giống y nguyên mẫu là vì họ có quan niệm hơi khắt khe, thậm chí bảo thủ, lạc hậu về nghệ thuật tạo tượng. Đây là chưa nói đến tính chất sáng tạo, nhà điêu khắc hoàn toàn có thể cho thêm những thành tố không thuộc về nhân thân của nhân vật vào bức tượng, cũng là việc hết sức bình thường.
Trên báo Tuổi trẻ ngày 10/12/2017, GS-TS Trần Quang Hải (con trai GS Trần Văn Khê) xác nhận: “Sự không giống nguyên mẫu chỉ là khía cạnh nhỏ không đáng kể… Chỉ có tôi có quyền quyết định đồng ý hay không đồng ý dẹp tượng sáp của ba tôi và của tôi tại khu trưng bày tượng sáp văn nghệ sĩ VN ở Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM”.
Qua tìm hiểu, nghệ nhân Thái Ngọc Bình (một trong ba người tạc tượng) cho biết có nhận E-mail từ ông Trần Quang Minh (con trai GS Trần Văn Khê) với đề nghị chấm dứt việc trưng bày với các lý do: “tượng có tạo hình gương mặt hoàn toàn không giống”, “tạo dáng ngồi đàn vô hồn”, “sai bàn tay cầm đàn”…
Ngay cả 2 người con của GS Trần Văn Khê cũng có ý kiến khác nhau về việc tượng giống hay không giống nguyên mẫu. Tuy rằng như trên đã nói, chi tiết đó không quá quan trọng với một bức tượng.
Vô Ưu