Chuyển nhượng kiểu Barca: Đội bóng là phụ, thương hiệu là chính
Nợ như chúa chổm nhưng vẫn mua sắm tưng bừng. Đó là Barca. Họ thực chất đang chơi trò gì vậy?
Nợ ngập đầu nhưng vẫn “chơi ngông”
Mới cách đây 6 tháng Chủ tịch Laporta còn tổ chức một cuộc họp báo bất thường công bố kết quả kiểm toán nội bộ phơi bày những yếu kém nghiêm trọng trong quản lí tài chính, những khoản chi mờ ám cho bên thứ 3, tình trạng giả mạo chứng từ và làm sai lệch số liệu kế toán ở Barca.
CLB xứ Catalunya nợ ngân hàng tới gần 1 tỷ bảng. Các cầu thủ nhiều lần được đề nghị cắt giảm lương và phải chấp nhận làm điều đó để đảm bảo Barca tuân thủ những quy định về mức trần quỹ lương của La Liga.
Tình hình tài chính “bê bết” như vậy nhưng thật ngạc nhiên là Hè này Barca có vẻ như đang “sống khỏe”. Ít nhất những phi vụ chiêu mộ cầu thủ của họ cho thấy điều đó.
Giữa lúc đang nợ nần chồng chất, Barca vẫn chào đón những Lewandowski, Raphinha, Franck Kessié và Andreas Christensen đến sân Camp Nou và vẫn đang theo sát những César Azpilicueta, Jules Kounde hay Bernardo Silva.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Những cầu thủ vừa gia nhập Barca, họ được hứa hẹn những gì? Và Barca thực chất đang muốn làm gì? Họ đâu thiếu tiền đạo. Này nhé, Aubameyang, Memphis Depay, Ousmane Dembélé, Ferran Torres và Ansu Fati. Thế họ còn mua Raphinha và Lewandowski làm gì?
Không phải 2 cầu thủ này không có tác dụng nhưng việc chiêu mộ họ có thực sự cần thiết về mặt chuyên môn không?
Barca đang nợ “ngập đầu”, đang phải đề nghị các ngôi sao giảm lương dù họ đã phải giảm lương nhiều lần trước đó trong thời gian Covid-19 bùng phát.
Barca còn đang bí tiền đến mức vẫn còn nợ Frenkie de Jong 17 triệu bảng tiền lương và vì chuyện này mà De Jong vẫn chưa chịu gia nhập MU.
Thế tại sao họ còn “rước” về Camp Nou những Lewandowski, Raphinha, Franck Kessié và Andreas Christensen?
Lý lẽ của Laporta
Đây là Barca, nơi mặt trời luôn mọc và bữa tiệc không bao giờ kết thúc. Nợ là… chuyện của nợ còn mua sắm vẫn phải mua sắm. Gương án phải giữ lấy mặt tiền. Dù bên trong có bung bét cỡ nào thì bên ngoài vẫn phải long lanh, sang chảnh.
Tất cả mọi người, từ các CĐV, các đại diện cầu thủ, thậm chí cả các CLB đối thủ đều cho rằng mua sắm kiểu Barca là kiểu mua sắm tự sát, là kiểu đánh bạc vô trách nhiệm với chính tương lai của họ, thậm chí nó giống như Barca đang phản bội chính họ.
Barca mua trong lúc đang nợ ngập đầu và bất chấp thực tế họ hoàn toàn có thể tận dụng nguồn lực “cây nhà lá vườn” là những tài năng trẻ trưởng thành từ lò đào tạo La Masia.
Nhưng chỉ trích Barca tiêu tiền vượt quá khả năng chi trả của họ là bạn thực sự đang hiểu sai về lí do đằng sau việc CLB này lao vào thị trường chuyển nhượng.
Laporta có thể sai lầm trong nhiều chuyện nhưng ông ta không phải kẻ ngốc. Trong tầm nhìn của Chủ tịch Barca, tương lai của CLB này không nhất thiết phải gắn liền với sự minh bạch về tài chính hay kinh doanh hiệu quả hay thậm chí không nhất thiết gắn liền với việc phải vô địch các giải đấu mà phụ thuộc vào việc họ xây dựng thương hiệu của mình ra sao.
Số liệu tài chính trong thời kỳ “tiền Covid-19” cho thấy chỉ có 18% doanh thu của Barca bắt nguồn từ doanh thu vào ngày diễn ra trận đấu.
Phần lớn nguồn tiền còn lại như bản quyền truyền hình, hợp đồng tài trợ với Spotify, hoạt động bán hàng, mạng lưới trường đào tạo bóng đá toàn cầu hay cho thuê sân Camp Nou làm đám cưới không liên quan gì tới thành bại của Barca trên sân cỏ. Nó đơn thuần phụ thuộc vào thực tế Barca là Barca, một thương hiệu lớn, một người khổng lồ, một huyền thoại.
Bây giờ Barca mua sắm không phải để xây dựng lại đội bóng mà để vực lại một thương hiệu đã bị tổn hại rất nhiều sau khi Messi ra đi. Cuộc chia tay khiến người ta cảm giác Barca giờ không còn là đích đến hấp dẫn đối với các cầu thủ.
Họ phải lập tức dập tắt luồng suy nghĩ này và cách duy nhất đủ thuyết phục để chứng minh điều ngược lại là Barca phải đưa bằng được những cầu thủ danh tiếng đến Camp Nou dù thực tế chưa hẳn Barca đã cần đến họ về mặt chuyên môn.
HT