Chuyện ít biết về tấm bia tưởng niệm A. De Rhodes tại Hà Nội
(Thethaovanhoa.vn) -Ở thời điểm cuộc tranh luận về việc đặt tên đường Alexandre de Rhodes tại Đà Nẵng đang diễn ra khá gay gắt, ít người biết, một tấm bia tưởng niệm nhà ngôn ngữ học này đã từng được dựng tại Hà Nội và hiện vẫn đang được lưu giữ.
Alexandre de Rhodes (tên Hán - Việt là A Lịch Sơn Đắc Lộ hay còn gọi là Cha Đắc Lộ) sinh ngày 15-3-1591 (có sách ghi 1593), mất 5-11-1660 (có sách ghi 16-11-1660), là một nhà truyền giáo Dòng Tên tại Pháp và cũng một nhà ngôn ngữ học.
Vào năm 1651, ông cho in cuốn Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum), hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin. Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Đó chính là một “bước ngoặt” trong tiến trình phát triển của tiếng Việt.
Dấu tích về A de Rhodes tại Việt Nam không còn nhiều, nhất là tại miền Bắc. Trước đây, theo sáng kiến của cụ Nguyễn Văn Tố, một Nhà bia tưởng niệm ông đã được dựng cạnh Đền Bà Kiệu bên Hồ Gươm, khánh thành ngày 29-5-1941. Đó là một phương đình, bốn mái theo kiểu kiến trúc phương Đông, trên nền xi măng gấp khúc 12 cạnh, có 3 lối lên 5 bậc. Bên trong dựng tấm bia đá cao 1,70m, rộng 1,10m, dày 0,20m, đế bia cao 0,50m. Trên mặt bia ghi tóm lược cuộc hành trình truyền giáo và công lao của A. de Rhodes trong việc chế tác chữ Quốc ngữ, được khắc bằng 3 dạng văn bản: chữ Quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp. Do bị xâm hại, để bảo quản, hiện nay tấm bia này đang được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội lưu giữ (sẽ chuyển giao cho Bảo tàng Hà Nội).
Năm 2010, nhờ Ban Quản lí Di tích và Danh thắng (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội)), chúng tôi may mắn được tiếp cận hiện vật này và chụp được văn bản (chữ Việt và chữ Hán) trên đó. Phần chữ Hán bị mất nhiều nhưng may mắn là phần chữ Việt còn khá nguyên vẹn. Đây quả là một tư liệu quý. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu hiện vật này, qua tấm ảnh chụp mặt chính của bia có phần viết bằng tiếng Việt, đồng thời xin ghi lại nguyên văn văn bản khắc (theo đúng chính tả và dấu câu lúc đó).
Đức A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ
Sinh ở A-vi-nhông[1] ngày 15 tháng ba năm 1591. Xuất gia tu vào Dòng Tên (Gia-tô-Hội)[2] năm 1612. Đi từ thành Li-sơ-bon[3] sang Ấn-độ ngày mồng bốn tháng tư năm 1619. Đến Áo-môn[4] ngày 29 tháng năm năm 1623. Cốt sang truyền giáo ở Nhật-bản, nhưng vì hồi bấy giờ xứ này cấm truyền giáo, nên lại được uỷ sang Việt-nam. Trong khoảng từ năm 1624 đến năm 1646 khi lưu ở trong Nam thuộc về chúa Nguyễn, lúc ở ngoài Bắc dưới quyền chúa Trịnh có hai lần ở Kẻ-chợ là Hà-nội bây giờ (1627-1630).
Người truyền giáo có kết quả lớn-lao sau muốn bảo-tồn cái kết quả ấy và muốn dựng nên thánh-giáo chắc-chắn cho giáo-đồ Việt-nam. Người được phép Toà-Thánh cho đặt các chức giám-mục chọn toàn người Pháp (1652).
Khi phải rời bỏ xứ Việt-nam, Người lấy làm tiếc, nên có nói rằng: Phần xác ta rời bỏ đất Nam với đất Bắc, nhưng thực ra lòng ta vẫn quyến-luyến, nói cho đúng vẫn bàn-hoàn với cả hai nơi và ta chắc rằng không bao giờ lòng ta lại quên được hai xứ ấy.
Sau Người được cử sang nước Ba-tư[5]. Người mất ở Ích-ba-hán[6] ngày 16 tháng một năm 1660 hưởng-thọ bảy-mươi tuổi.
Người soạn ra nhiều truyện-kí đều diễn dịch ra mấy thứ tiếng, và Người đã xuất bản được quyển sách Bổn và Tự-vị tiếng Việt-nam, tiếng Bồ-đào-nha và tiếng La-tinh - là những sách bằng tiếng Việt-nam dịch âm theo chữ La-tinh xuất bản trước tiên nên tên Người cũng lưu-truyền với cái công nghiệp phát-minh ra chữ Quốc-ngữ.
[1] Avignon, tỉnh lị của tỉnh Vaucluse (Pháp).
[2] Dòng Tên: Tiếng Latin là Societas Jesu (Hội dòng Giêsu hay Dòng Chúa Giêsu).
[3] Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha.
[4] Áo Môn: tức Macao (Trung Quốc).
[5] Ba Tư: tức Iran.
[6] Ích Ba Hán: Isfahan, một thành phố thuộc Iran.
PGS TS Phạm Văn Tình