Chuyện Hà Nội: Tây Hồ
Những ngôi làng nổi tiếng bên hồ còn đây nguyên vẹn tên xưa, những Nghi Tàm, Quáng Bá, Ngọc Hà… Bao nhiêu cổ tích nữa là đền Quán Thánh, chùa Kim Liên, đền Đồng Cổ, đình Yên Phụ; Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc…
Hồ Tây lung linh còn bởi cả thần tích và huyền thoại về các vị thần, có bóng dáng của Lạc Long Quân, Âu Cơ, có câu chuyện về Huyền Thiên Trấn Vũ, bóng dáng công chúa Liễu Hạnh ở Phủ Tây Hồ, và công chúa Trịnh Vương chăn tằm kéo kén ở chùa Kim Liên…Tây Hồ vì thế đã đi vào văn chương thơ phú, ca nhạc từ ngày xưa đến bây giờ.
Chưa có con số thống kê nào về số du khách đến tham quan Hồ Tây mỗi ngày, nhưng tôi đoan chắc ở tất cả thắng tích bên hồ, mỗi ngày có hàng vạn người đến đây tham quan nghỉ dưỡng vui chơi… Chỉ riêng Phủ Tây Hồ bình quân mỗi ngày, theo BQL Di tích có khoảng gần 1.000 người đến đây lễ bái chiêm ngưỡng thắng tích. Ngày đông nhất tại đây có đến 5.000 du khách. Chùa Trấn Quốc cũng là nơi nhiều người tham quan lễ bái. Chưa kể có hàng trăm khách đến các di tích khác hoặc nghỉ ngơi trên du thuyền… Nếu so sánh sẽ thấy lượng khách như vậy là một con số nói lên giá trị của thắng tích và đó mới là điều quan trọng để đánh giá xem xét giá trị của nó.
Hồ Tây đẹp và là một danh thắng chứa bên trong lòng nó một kho báu sinh vật, từ hoa sen, đến các loài thực vật, từ ốc cua đến cá tôm, thuỷ sinh các loại… Tôi đồ rằng nếu Hồ Tây được lập hồ sơ trình lên Uỷ ban Di sản thế giới, chắc nó sẽ được công nhận là danh thắng nổi tiếng của nhân loại…
“Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi/ Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”. Bây giờ Hồ Tây chỉ còn đàn sâm cầm trong bài hát cũ, của Trịnh, và trong những bồi hồi chuyện cũ.
Nhớ có lần ông Lê Mạnh Thái, người sĩ quan năm xưa trực tiếp hỏi cung Tướng De Castries tại Điện Biên Phủ kể: “De Castries sau hỏi cung, giờ giải lao được phép nói chuyện, và viên bại tướng trong hoàn cảnh ấy, vẫn nhắc đến Hồ Tây dưới cái nhìn của một nhà chiến lược quy hoạch... Ông ta bảo Hồ Tây sẽ là một danh thắng nếu được bảo tồn và xây dựng thành một khu nghỉ dưỡng lý tưởng cho người Hà Nội. Rồi sông Hồng nên có thêm nhiều cây cầu bắc qua đưa thành phố sang đôi bờ có sông nước lung linh về đêm…”.
Hồ Tây vẫn là danh thắng Hà Nội hôm nay và mai sau. Tiếc là nó đã bị xâm lấn, bị nhà cửa xô bồ xung quanh phá nát không gian kỳ thú của thiên nhiên. Hy vọng nỗ lực của người Hà Nội sẽ tiếp tục, nhằm cứu chuộc vẻ đẹp Hồ Tây để nó mãi là hòn ngọc của Thủ đô trong mắt người muôn phương cả về nghĩa cảnh quan và giá trị kinh tế du lịch…
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa