Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Muốn có biểu tượng, phải quan tâm đến công tác đào tạo
Thể thao Việt Nam đến SEA Games 32 với lực lượng đông nhất từ trước tới nay khi ra nước ngoài thi đấu nhưng không có nhiều gương mặt mang tính biểu tượng. Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự hạn chế trong công tác đào tạo.
Sau khi những tuyển thủ xuất sắc, được biết đến nhiều của Thể thao Việt Nam gần đây như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông)… chia tay sự nghiệp thi đấu, Đoàn Thể thao Việt Nam đến với SEA Games 32 mà không có nhiều gương mặt mang tính biểu tượng. Vẫn biết, trong thi đấu thể thao thành tích cao thì chuyện "tre già, măng mọc" nhưng việc một nền thể thao thiếu biểu tượng sẽ mất đi những thuận lợi trong quá trình phát triển dưới góc độ chuyên môn và truyền thông.
Tôi rất tâm đắc với 2 cuốn sách viết giới thiệu về các nhà vô địch châu Á và thế giới của Hội đồng Olympic châu Á và Ủy ban Olympic đã ra mắt trước đây. Họ viết về những VĐV xuất sắc để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ noi theo, học tập và biến ước mơ trở thành ngôi sao thể thao. Tại Việt Nam, tôi tin chắc rằng, kình ngư Ánh Viên đã đem tới niềm cảm hứng rất lớn cho nhiều em nhỏ tham gia tập bơi. Hay như câu chuyện của Huỳnh Như cũng là tấm gương để các nữ cầu thủ nhỏ tuổi có thêm động lực để phấn đấu.
Trong một chương trình tôi mới xem được trên truyền hình, Thanh Thúy - tay đập xuất sắc nhất của bóng chuyền nữ hiện nay từng chia sẻ; Niềm đam mê bóng chuyền của cô xuất phát từ hình ảnh những trận đấu của ĐTQG bóng chuyền khi xem các trận đấu ở giải VTV Cup. Một vài thông tin như vậy để thấy, những nhân vật mang tính biểu tượng và tấm gương trong thể thao sẽ khích lệ niềm đam mê cho không chỉ các vận động viên trẻ, thế hệ tiếp theo mà còn cả với công chúng.
Vì sao số lượng gương mặt mang tính biểu tượng của Thể thao Việt Nam ngày càng mai một? Vấn đề nằm ở chất lượng của công tác đào tạo và cần xem xét lại công tác này một cách nghiêm túc với những thống kê chuyên môn đầy đủ, chính xác của các nhà quản lý. Những nghiên cứu của thế giới chỉ ra quy trình đào tạo một vận động viên. Tùy theo nhóm môn, thông thường 1 vận động viên sẽ phải trải qua từ 8 đến 10 năm đào tạo từ khi 5 đến 6 tuổi mới có thể thi đấu. Giai đoạn đỉnh cao nhất của thành tích thường nằm trong lứa tuổi từ 18 đến 25 tuổi, cá biệt có những môn duy trì được lâu hơn. Và chỉ từ 3% đến 7% trong số này có thể trở thành những vận động viên xuất sắc hay nhà vô địch.
Với Thể thao Việt Nam, áp lực thành tích ở mỗi cuộc thi đấu và cả việc thiếu kinh phí, thiếu nguồn lực khiến cho sự quan tâm hầu như chỉ dành cho nhóm vận động viên đáp ứng được yêu cầu thành tích. Các vận động viên trẻ có rất ít cơ hội và nhìn vào quy trình đào tạo kéo dài, rõ ràng, chỉ sau một thời gian ngắn sẽ tạo nên lỗ hổng về lực lượng, chứ chưa nói đến việc trở thành ngôi sao. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020, rất nhiều đội tuyển trẻ quốc gia đã bị giải tán vì không đủ kinh phí và những khoảng trống đã dần xuất hiện.
Với thể thao, việc đầu tư cho công tác đào tạo vận động viên là quá trình lâu dài, cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Nếu với "tư duy nhiệm kỳ" và thiếu niềm tin, chắc chắn sẽ không thể có được những nhà vô địch châu lục và thế giới. Trường hợp của lực sỹ Hoàng Anh Tuấn từng giành HCB Olympic 2008 là một ví dụ, khi đề xuất đầu tư mạnh mẽ cho vận động viên này kể từ năm 2004 ban đầu đã gặp nhiều ý kiến phản đối. Nhưng cuối cùng, kết quả chúng ta đều đã biết.
Những thành tích của Hoàng Xuân Vinh, Hoàng Anh Tuấn hay Trần Hiếu Ngân trước đây đã củng cố niềm tin rằng, các vận động viên Việt Nam có thể chinh phục được thế giới nhưng họ cần sự hỗ trợ từ nhiều mặt và có một lộ trình phát triển. Thể thao Việt Nam lúc này, rất đáng mừng, vẫn còn những gương mặt xuất sắc đã và đang thi đấu. Nhưng họ có thể trở thành biểu tượng hoặc có thêm nhiều biểu tượng khác xuất hiện hay không, còn tùy thuộc rất nhiều vào sự quan tâm và đầu tư cho công tác đào tạo.