Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'V-League còn nhiều dư địa để phát triển'
Chuyên gia Đoàn Minh Xương hào hứng nhìn nhận rằng V-League đang có nhiều tín hiệu vui, đầy tích cực và còn nhiều dư địa để phát triển.
Hải Phòng giúp đoạn cuối V-League bớt nhàm chán
* Thể thao & Văn hóa: Hải Phòng đã thắng Hà Nội FC trong trận đấu rất nhiều cảm xúc, chính vì thế cuộc đua vô địch sẽ còn những điều khó lường ở phía trước phải không, thưa ông?
- Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Quả thật, trận đấu giữa Hải Phòng cùng Hà Nội xứng danh đại chiến V-League. Ở đó, hội tụ tất cả các yếu tố mà V-League cần có từ không khí rực lửa trên khán đài, chất lượng chuyên môn cao, 2 đội chơi cống hiến, trung thực và sòng phẳng. V-League đôi lúc có những trận đấu để lại điều tiếng nhưng mỗi khi Hà Nội gặp gỡ Hải Phòng, đó là trận đấu “thật 100%”. Một trận đấu mang tính biểu tượng và V-League cần, cần nhiều những trận đấu như thế.
Có thể đội bóng đất Cảng sẽ không vô địch mùa này nhưng trận thắng đó đã góp phần cho đoạn cuối mùa giải sẽ bớt nhàm chán. Chiến thắng của Hải Phòng như một món quà cho V-League, khiến cả V-League đều vui. Ai cũng biết, nếu Hà Nội có 3 điểm ở trận này, gần như sẽ chạm một tay vào chức vô địch. Hải Phòng đã cứu giải không sớm rơi vào cảnh chợ chiều ở cuộc đua vô địch.
Khi Hải Phòng kịp “níu áo” Hà Nội FC đủ giúp cả họ, Bình Định hay Viettel còn hy vọng để đua tiếp. Vì thế những vòng cuối vẫn còn đáng xem cả 2 đầu bảng xếp hạng. Chỉ chừng đó thôi, đủ để cảm ơn đội bóng đất Cảng. Thậm chí, lúc này nếu quyết tâm đua vô địch, Hải Phòng chính là đối trọng lớn nhất đối với Hà Nội FC. Bởi lúc này ĐKVĐ Viettel không thể hiện được khát khao cao nhất ở chuyện bảo vệ ngôi vương. Trong khi, Bình Định thì cứ đá theo kiểu đủng đỉnh, chưa thấy phẩm chất của “quân vương”.
* Vậy đâu là dự cảm của ông về chân dung nhà vô địch khi mùa giải năm nay khép lại.
- Như tôi đã nói ở trên, CLB Hải Phòng đã thu hẹp khoảng cách với đội đầu bảng Hà Nội. Tuy nhiên, quyền tự quyết ngôi vô địch vẫn nằm trong tay đội bóng Thủ đô. Nếu Hải Phòng có được khí thế ngút trời để thắng trận vừa rồi thì Hà Nội FC đã chứng tỏ bản lĩnh của một đội bóng lớn. Có đôi phần lúng túng cùng với sai lầm cá nhân để phải chịu 3 bàn thua nhanh chóng. Tuy nhiên, Hà Nội FC đã không vỡ trận trong không khí hừng hực biển người màu đỏ ở Lạch Tray. Hà Nội FC vẫn kịp xốc lại đội hình, ghi liền 2 bàn thắng và khiến chủ nhà lùi về chống đỡ ở cuối trận. Điều đó, cho thấy bản lĩnh của đội bóng từng nhiều lần vô địch V-League bởi trong bối cảnh như thế rất dễ lâm vào cảnh “tim đập chân run” và vỡ trận, thua đậm.
Hà Nội vẫn nắm quyền tự quyết vì họ đang hơn điểm số so với 3 đội bám đuổi phía sau. Nếu Hà Nội thắng 4/5 trận còn lại coi như xong, không cần quan tâm kết quả của các đội đang đua tranh. Nghĩa là họ có thể sảy chân ở trận đấu nào đó vẫn có thể lên ngôi. Ngược lại, cả Hải Phòng, Bình Định hay Viettel chỉ cần thua 1 trong những trận còn lại là hết cơ hội. Chưa kể, Hải Phòng 3/4 trận còn lại sẽ gặp những đội bóng khát điểm trụ hạng (Sài Gòn FC, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Nam Định) nên rất khó cho họ. Hải Phòng muốn vô địch, họ phải thắng toàn bộ các trận còn lại và chờ Hà Nội và thậm chí là Bình Định sảy chân ở những vòng đấu cuối.
Hà Nội FC có 3 trận cuối cùng được đá trên sân nhà. Bên cạnh đó, họ cũng có lực lượng hùng hậu để sẵn sàng đua nước rút những vòng đấu cuối. Chính vì lẽ đó, tôi vẫn cho rằng “cờ” vẫn trong tay Hà Nội FC. Họ vẫn chiếm ưu thế lớn nhất để lên ngôi. Có thể chặng đường về đích không thong dong nhưng từ đó chúng ta sẽ thấy được bản lĩnh và phẩm chất đích thực của nhà vô địch.
* Đầu bảng 4 CLB đang đua vô địch, ngược lại ở cuối bảng, 4 đội bóng Nam Định, Sài Gòn FC, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và CLB TP.HCM đang chạy trốn tấm vé xuống hạng, theo ông, ai sẽ phải ngậm ngùi chia tay V-League?
- Xét trên lý thuyết còn cả có SHB Đà Nẵng, HAGL hay cả B.Bình Dương nữa. Nhưng đó là nói trên lý thuyết thôi, còn thực tế tấm vé xuống hạng là cuộc chạy trốn của những Nam Định, Sài Gòn FC, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và CLB TP.HCM.
Trận hòa trước SLNA chẳng giúp CLB TP.HCM thoát khỏi đáy bảng. Đến lúc này thì thật khó cho CLB TP.HCM rồi, khó vì nhiều lý do. Khi nhận đội, HLV Vũ Tiến Thành tự tin tính toán rằng sẽ có từ 12 - 15 điểm trong 8 trận “chung kết” để thoát hiểm. Nhưng 4 trận đã đá họ chỉ thu về 5 điểm, chưa đủ chỉ tiêu “nhặt điểm” đề ra. 4 trận còn lại, họ gặp Đà Nẵng mà Đà Nẵng cũng muốn thắng để tránh cảnh “đêm dài lắm mộng”. 2 vòng cuối đá với Viettel và Bình Định. Nếu lúc đó, Bình Định hay Viettel còn cơ hội đua vô địch thì khó cho họ.
Hơn thế, nhìn cách chơi của CLB TP.HCM cũng không có nhiều biến chuyển so với trước. Họ phụ thuộc vào Lee Nguyễn nhiều, không có nhân tố đột biến, trong khi hàng thủ vẫn còn xộc xệch. Chủ yếu tinh thần lên cao nhưng tinh thần chỉ có với liệu pháp tâm lý nhất thời ở vài trận chứ đua kiểu này chuyên môn mới quan trọng.
Dù mục tiêu có trái ngược nhau với mỗi đội bóng. Tuy nhiên, về cơ bản tình thế lúc này “thân ai nấy lo”. Chính vì thế cuộc chiến sinh tồn sẽ vô cùng nóng bỏng.
Cú hích mang tên bản quyền truyền hình
* Trong tuần có thông tin bản quyền truyền hình của V-League được mua với con số cao gấp 20 lần hiện nay, cho 4 năm (2023 - 2027). Đó có phải một tin rất vui cho V-League?
- Nếu mọi thứ đúng như thế thì quả thật là một tin rất vui, đầy tích cực cho V-League. Thậm chí có thể xem là một cột mốc lịch sử về bản quyền truyền hình của bóng đá Việt Nam. Cho dù vẫn có những hạn chế nhưng V-League ngày càng nâng cao chất lượng. Thương hiệu cũng đã có để tạo ra được sản phẩm giá trị và thu được lợi nhuận. Hơn ai hết, cả VFF, VPF cùng các CLB, mỗi tổ chức thành viên phải siết chặt tay nhau, tìm thêm giải pháp, hướng đi để biến V-League trở thành một giải đấu ngày càng có độ chuyên nghiệp và sức cạnh tranh cao hơn. Sức hút lớn, giá trị cao và lợi nhuận sẽ có được từ đó.
Một khi có được số tiền bản quyền kỷ lục đó, hứa hẹn sẽ giúp cơ quan quản lý, điều hành có thêm kinh phí để tổ chức giải đấu tốt hơn, từ công tác quản lý cho tới việc bố trí lực lượng hậu cần, công tác trọng tài. Bởi một khi giá trị hình ảnh của V-League ngày càng được nâng cao thì điều này cũng đồng nghĩa với việc các CLB sẽ được hưởng lợi từ số tiền bản quyền truyền hình nhiều hơn. Đó sẽ là số tiền lớn với những CLB không có nền tảng tài chính mạnh.
Các đội bóng thi đấu để sản sinh nguồn thu và nguồn thu sau đó lại được quay vòng để tái đầu tư cho bóng đá. Vì vậy, một khi bản quyền truyền hình giải đấu được bán với giá trị cao hơn từ mùa giải 2023, sẽ hứa hẹn mang đến một viễn cảnh khá tươm tất cho bóng đá Việt Nam. Nói chung để bóng đá nuôi được bóng đá cần bắt đầu từ những tiêu chí như thế.
Ngoài bản quyền truyền hình, giá trị thương hiệu của mỗi đội bóng cũng cần phải được khai thác triệt để hơn. Đây cũng là bài toán mà chính các đội bóng và V-League phải đặt ra. Sự chuyên nghiệp phải được vận hành từ cá nhân đến các CLB trong bức tranh tổng thể của bóng đá nước nhà. Mỗi CLB sẽ có thêm doanh thu từ bản quyền truyền hình, giá trị chuyển nhượng cũng như khai thác tốt hơn nữa các giá trị thương mại từ nội hàm đội bóng.
Vì vậy, việc VPF bán được gói bản quyền truyền hình lên tới 60 tỷ đồng/mùa sẽ là một cú hích lớn cho bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB từ mùa giải 2023. Nó hứa hẹn sẽ là tiền đề tạo ra sự phát triển mạnh mẽ hơn cho giải V-League trong tương lai không xa.
* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trần Tuấn (thực hiện)