Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'Ông bầu hắt hơi, đội bóng sổ mũi'
(Thethaovanhoa.vn) - “Ông bầu hắt hơi thì đội bóng sổ mũi” hay “Doanh nghiệp khó khăn lập tức CLB lao đao, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng điệp khúc này chúng ta đã nghe, đã biết trong nhiều năm qua với đời sống bóng đá nước nhà. Chuyện thì không cũ, nhưng lâu lâu lại bùng lên cho dù chúng ta đã có 20 năm chuyên nghiệp”.
“Chúng ta vẫn hay nói vui rằng bóng đá Việt Nam chỉ chuyển đổi cung cách hoạt động sang chuyên nghiệp nhưng cũng chỉ sống với mô hình mang tên gọi quen thuộc “bao cấp” mà thôi. Nếu trước đây là “bao cấp” từ Nhà nước ở mỗi địa phương thì hôm nay chuyển sang được doanh nghiệp “bao cấp” với tên gọi như công ty cổ phần trực thuộc chẳng hạn.
Nghĩa là quá khứ các đội bóng hoạt động từ ngân sách địa phương còn sau này sống dựa vào nguồn tiền tài trợ từ các ông bầu, chứ chưa có gì mới hơn cả. Có thể mô hình quản lý hay cơ chế hoạt động có những đổi thay nhưng nguồn lực “đầu tiên” chỉ chuyển từ chỗ chu cấp của địa phương sang tiền túi của những nhà đầu tư vào bóng đá”.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận: “Ai cũng biết như thế sẽ không có được cái nền cơ bản nhất cho quá trình tổ chức, hoạt động để phát triển nhưng rất khó để đổi thay bởi đơn giản bóng đá của chúng ta chưa tự nuôi được chính mình. Chính vì thế, khi “bầu sữa” này cạn kiệt hay trúc trắc chỗ nào đó sẽ khiến các đội bóng lao đao ngay. Điều đáng lo nhất đó đã từng được cảnh báo như một nguy cơ tiềm ẩn để có thể làm đổ vỡ cấu trúc của mô hình hoạt động mà các CLB đang áp dụng bấy lâu nay.
Để rồi hiện tại trong bối cảnh đầy khó khăn từ những ảnh hưởng của dịch Covid-19, cảnh báo đó hiện ra rõ ràng hơn lúc nào hết. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hẳn nhiên các ông chủ cũng sẽ phải nhín nhịn đồng tiền của mình lại bởi chẳng dư dả như ngày nào. Nhiều CLB đã quen sống từ nguồn thở đến từ túi tiền của ông bầu bơm vào hẳn nhiên trong cơn đại dịch này sẽ phải hắt hơi, sổ mũi ngay. Bởi đâu phải ông bầu nào cũng đủ tiềm lực cũng như dồi dào tiền bạc để bơm vào cho đội bóng của mình. Hệ lụy nảy sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động là điều mà các CLB sẽ phải đối mặt như một thách thức không nhỏ”.
Nhiều năm qua, các đội bóng của chúng ta đã chuyển snag mô hình hoạt động này kia như Công ty cổ phần chẳng hạn nhưng sẽ thật khó khi chính cái phiên hiệu như thế không tự sinh lời để nuôi bóng đá. Cũng có những doanh nghiệp tự tìm đến đội bóng với những quan hệ theo kiểu “có đi có lại” để hài hòa lợi ích của mình chứ chưa hẳn là đầu tư vào đấy nhằm tạo ra những giá trị cao hơn theo đúng tôn chỉ, mục đích ban đầu. Mà cũng thật khó để nói rằng không thể không có những chuyện bỏ ra cái này lại không được cái kia.
Đấy là còn chưa kể nhiều đội bóng còn nhập nhằng mô hình hay cơ chế hoạt động khi chưa tách bạch, phân minh giữa cái gọi là doanh nghiệp hay địa phương để biết ai sẽ làm việc gì cho mỗi đội bóng. Ví dụ như có chuyện này xảy ra thì vịn vào ông bầu hay biến cố khác lại than thở cùng lãnh đạo địa phương thông qua cơ quan quản lý chuyên môn như sở Văn hóa &Thể thao chẳng hạn. Đấy, đặc thù chuyên nghiệp của chúng ta nó cứ luần quần như thế”.
“Câu chuyện ông bầu gặp khó, đội bóng lao đao là chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi nhưng để thực trạng này giải quyết một cách căn cơ, rốt ráo nhất thì chưa thấy được. Tôi cho rằng, tất cả chúng ta, những ai đang tham gia vào địa hạt bóng đá nước nhà cần một sự cải tổ triệt để nhất để dứt điểm căn bệnh lâu lâu tái phát này, may ra mới có cái gọi là chuyên nghiệp đúng nghĩa”. Chuyên gia Đoàn Minh Xương kết thúc câu chuyện với mong muốn như thế.
Trần Tuấn (ghi)