Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'Cầu thủ phải biết trọng nghề cho nhau'
(Thethaovanhoa.vn) - Bạo lực sân cỏ được nhìn nhận như câu chuyện không hề mới với bóng đá nước nhà. V-League, giải đấu hàng đầu bóng đá nội càng để lại những nhức nhối. Đỉnh điểm là pha vào bóng “rợn người” của Ngô Hoàng Thịnh khiến Đỗ Hùng Dũng tạm xa sân cỏ thời gian dài. Không chỉ có pha bóng đó, bao năm qua với rất nhiều vụ việc để rồi cầu thủ đã nhập viện, phải phẫu thuật, thậm chí bỏ nghề. Cùng với đó án kỷ luật cũng được đưa ra nhưng tại sao và như thế nào mà bạo lực vẫn có đất để sống, thậm chí “giết chết” V-League!?
“Buồn và tiếc, cũng chẳng biết phải nói gì nữa khi nhìn về tình huống khiến Đỗ Hùng Dũng phải tạm chia tay sân cỏ trong đau đớn còn Ngô Hoàng Thịnh hẳn nhiên sẽ phải tự dằn vặt bản thân mình trong những ngày sắp đến”. Chuyên gia Đoàn Minh Xương giãi bày nỗi niềm của mình khi thêm lần nữa “bóng ma” bạo lực hiện về trong đời sống sân cỏ quốc nội.
Ông Xương chia sẻ: “Chúng ta nói về chuyên nghiệp và đang đi trên con đường xây dựng, phát triển một cách chuyên nghiệp cho bóng đá nước nhà. Đấy là điều cần ghi nhận nhưng như tôi đã nhiều lần chia sẻ thì chuyên nghiệp thật sự nó bao gồm rất nhiều yếu tố cấu thành và cần một lộ trình nghiêm cẩn nhất chứ không thể “vá víu” cái này cái kia mà đã coi là chuyên nghiệp được.
Sẽ có nhiều nội hàm để cùng chung tay trên con đường đó mà đâu chỉ chuyên môn, tiền bạc hay thành tích đơn thuần. Ví như sự giao tiếp, ứng xử, tôn trọng cái nghề đá bóng mình đang theo đuổi và tôn trọng cho cả đồng nghiệp nữa chưa được nhìn nhận nghiêm túc”.
Cũng từ pha bóng đó, ông Xương cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải thật bình tâm, tỉnh táo, minh bạch để nhận ra giá trị thật của cuộc chơi. Bóng đá cần đam mê của tình yêu, sự hăng say cống hiến và cả lòng nhiệt huyết. Nhưng đấy là đam mê cho sự cống hiến tận tâm, chứ không phải nhân danh đam mê, máu lửa để lao vào những cuộc sát phạt đôi chân nhau như thế.
Suy cho cùng, bóng đá cũng là cái nghề mà nhiều thế hệ cầu thủ gắn bó, đa mang. Các bạn cầu thủ song hành với cuộc đời đá vì nhiều lẽ: công việc, tình yêu, lòng đam mê, thu nhập. Nói cách khác, cầu thủ cũng là người lao động, họ bỏ mồ hôi, công sức, kỹ năng, cống hiến của mình lo cho cuộc sống thường nhật và tương lai về sau.
Vậy nên, đã coi như nghề nghiệp của nhau thì tự bản thân mỗi cầu thủ phải biết tôn trọng,giữ gìn, trân quý cái nghề mà mình cũng như đồng đội đã chọn, đã theo. Một khi anh tôn trọng đôi chân của đồng nghiệp cũng chính là anh đã tự tôn trọng đôi chân của bản thân mình. Mà đôi chân là “nồi cơm” để anh sống, gắn bó với nghề. Nói cách khác, anh phải trọng cái nghề của anh đang theo đuổi thì anh mới biết nâng niu, góp sức, bảo vệ và nặng lòng với cái nghề đó trên tâm thức thể thao cao thượng, trung thực và chơi đẹp”.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ: “Chúng ta thấy những con người nổi tiếng, họ thường mua bảo hiểm cho đôi chân của chính mình, những đôi chân tiền tỉ. Cầu thủ quốc tế cũng làm điều tương tự. Bóng đá Việt chưa có ai bỏ tiền để nhận về cái “tem” đảm bảo cho đôi chân mình. Tuy nhiên, tài sản là đôi chân của đời cầu thủ sẽ được an toàn, nếu họ biết quý chính bản thân mình, để biết quý đôi chân của đối thủ, cũng là đồng nghiệp mình mỗi lúc đối đầu cùng nhau.
Không phải đến bây giờ chuyện đá nhau như triệt hạ đồng nghiệp của cầu thủ mới được nhắc đến, chỉ có điều nó đã thật sự leo thang, như một vấn nạn, mà lâu nay do quá nhiều rào cản như án phạt nhẹ, rồi dĩ hòa vi quý, nâng lên hạ xuống, chưa nghiêm…đã thật sự làm lờn thuốc. Nghiêm trọng hơn sẽ như mối nguy đang giết mòn bóng đá nước nhà nếu không thật sự tỉnh táo đưa ra những giải pháp căn cơ và triệt để nhất. Giải pháp bao gồm cả câu chuyện dài hơi trên nhiều yếu tố như đã nói hay chấp nhận đau một lần để cắt tận gốc chứ không thể cứ mãi xuề xòa như lâu nay”.
“Tựu trung lại, trước hết và cơ bản nhất, cầu thủ phải có đạo đức nghề nghiệp. Anh tôn trọng và giữ gìn cho đồng nghiệp, cũng chính là tôn trọng bản thân mình. Sẽ làm được , nếu biết chơi đẹp và trọng nghề cùng nhau”. Chuyên gia Đoàn Minh Xương khép lại câu chuyện với kỳ vọng như thế.
Trần Tuấn (ghi)