Chuyển đổi số: AI đặt ra thách thức đối với báo chí truyền thống
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến nghề báo nói chung và các nhà báo nói riêng trở nên khó tồn tại. Cảnh báo này được lãnh đạo tập đoàn truyền thông Axel Springer của Đức đưa ra ngày 28/2 khi đề cập sự phát triển vũ bão của AI hiện nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong một bức thư nội bộ gửi nhân viên, Giám đốc điều hành Axel Springer, ông Mathias Doepfner, cho biết: “AI có khả năng khiến cho nghề báo trở nên độc lập hơn bao giờ hết, thậm chí có thể thay thế nghề báo”.
Ông Doepfner nhận định các công cụ hỗ trợ AI như ChatGPT do Microsoft tạo ra hứa hẹn “một cuộc cách mạng” về thông tin. Với AI, ChatGPT đang gây bão trên toàn thế giới với khả năng tạo ra các văn bản như bài luận, thậm chí thơ, chỉ trong vài giây.
Ông dự báo máy tính sử dụng AI sẽ sớm tổng hợp thông tin tốt hơn các nhà báo và do đó, các tòa soạn tin tức phải có bài viết hoặc các bình luận độc quyền nếu muốn tồn tại. Báo chí điều tra, đời tư cá nhân và giải trí đang trở nên ngày càng quan trọng đối với ngành kinh doanh truyền thông. Việc tìm kiếm sự thực đằng sau các câu chuyện sẽ vẫn là công việc của các nhà báo.
Ông Doepfner cho biết mục tiêu của Axel Springer là trở thành “một nhà xuất bản kỹ thuật số”, tuy nhiên quá trình chuyển đổi sẽ mất vài năm nữa. Khi đó, khoảng 85% doanh thu và 95% lợi nhuận của tập đoàn đến từ các hoạt động kỹ thuật số. Với kế hoạch này, Axel Springer sẽ vừa triển khai vừa cắt giảm lực lượng nhân sự khoảng 18.000 người trên toàn thế giới hiện nay.
Trong vài năm qua, Axel Springer đã mở rộng mạng lưới quốc tế, với thương vụ mua lại hai tờ báo Business Insider và Politico có trụ sở tại Mỹ.