Chuyện 'cổ tích' ở núi Hàm Rồng
Đó là gia đình của anh Nguyễn Văn Kha, chị Vũ Thị Ngọc Ánh và cháu Nguyễn Văn Văn (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) mới chuyển lên sinh sống ở Trung tâm huấn luyện Hàm Rồng kể từ vài tháng nay.
Anh Kha kể: “Vốn dĩ gia đình tôi có công ăn việc làm ổn định, tạm sống đắp đổi qua ngày tại quê nhà. Nhưng vì con cái nên sau một thời gian đắn đo, suy nghĩ… chúng tôi quyết định chuyển lên sinh sống cùng với cháu tại Gia Lai. Tôi là dân miền sông nước nay lên làm việc tại Cao Nguyên, chẳng khác gì cá lên cạn. Nhưng biết làm sao được, tất cả chỉ vì con cái, con đặt đâu ba mẹ ngồi đó thôi”.
“Hy sinh đời bố, củng cố đời con” là chuyện không hiếm trong mọi thời đại. Nhưng ở lĩnh vực bóng đá, có lẽ gia đình anh Kha thuộc diện đặc biệt.. xưa nay hiếm.
Mùa hè vừa qua, đoàn tuyển sinh khóa 3 học viện HA.GL Arsenal JMG xuống sơ tuyển tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). Trong số khoảng 400 thí sinh dự tuyển, chỉ duy nhất cậu bé Nguyễn Văn Văn vượt qua vòng sơ loại để có mặt tại vòng chung kết. “Tham dự vòng chung kết, lúc đó khí hậu ở miền Tây đang vào mùa nắng nóng gay gắt, còn tại Pleiku, trời mưa dầm dề suốt mấy tháng trời. Do chưa thích nghi với thời tiết nên Văn Văn vị cảm sốt, thể lực không đảm bảo nên trong bài kiểm tra đánh giá về sức bền, sức khỏe cháu không được sung, thường bị đuối trong các cuộc đua tốc độ và tranh chấp tay đôi với các thí sinh khác. Có lẽ vì vậy cháu không trúng tuyển vào học viện”, anh Kha tiếc nuối.
“Lọt sàng xuống nia”, Văn Văn được CLB HA.GL tuyển vào lớp năng khiếu U.13, do HLV Huỳnh Văn Ảnh đảm trách.
Sinh năm 2000, là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, nên Văn Văn được gia đình cưng chiều. Bởi thế thời gian đầu xa nhà, vì quá nhớ con nên tối nào Văn Văn và bố mẹ cũng khóc sướt mướt như mưa qua chiếc điện thoại. Khóc đến nỗi chiếc điện thoại trong tay của anh Kha “chết máy” vì đẫm… nước mắt.
Ba mẹ nhớ con, con nhớ gia đình... càng gọi điện thoại càng nhớ nhau da diết. Do đó chỉ trong vòng 2 tháng đầu tiên nhập học lò đào tạo CLB HA.GL, anh Kha chuyển giao cửa hàng sửa chữa máy nổ lại cho con trai, cất công 4 lần, vượt trên 6 ngàn cây số đi về giữa Kiên Giang và Gia Lai để thăm con. Nếu cứ như thế này thì không sức khỏe và tiền bạc nào chịu cho thấu. Cuối cùng anh Kha bàn với gia đình và đi đến quyết định khó khăn và hệ trọng, chuyển hẳn lên sống tại Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng, để được gần con, chăm sóc thêm cho con.
Hiện nay anh làm công nhân ở Công ty Gỗ HA.GL, còn vợ anh làm chị nuôi ở học viện HA.GL-Arsenal JMG, tất cả đều sống chung tại Trung tâm huấn luyện Hàm Rồng…
Anh Kha tâm sự: “Ở CLB HA.GL các cháu được bảo mẫu và các thầy chăm sóc rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, không có gì có thể thay thế được tình cảm ruột thịt của cha con chúng tôi. Tôi lên đây là để giúp cháu toàn tâm toàn ý lo tập luyện và học chữ cho thật tốt, hi vọng một ngày nào đó không xa, Văn Văn sẽ được chuyên gia người Pháp Guillaume Graechen để mắt đến, đặc cách tuyển thẳng vào học viên HA.GL-Arsenal JMG, y như các cháu Nguyễn Phong Hồng Duy, Lê Văn Trường và Lê Hoàng Thống đã làm được cách đây không lâu”.
Nói về cậu học trò của mình, HLV Huỳnh Văn Ảnh cho biết: “Trong số các em khóa 3 lớp năng khiếu HA.GL, thì Văn Văn là cầu thủ có chuyên môn thuộc tốp đầu. Mặc dù có ba mẹ cùng chung sống tại đây nhưng Văn Văn không có biểu hiện chủ quan, ỷ lại. Trên sân bóng cháu tập luyện tích cực, hết mình… còn trong sinh hoạt hàng ngày, Văn Văn luôn gương mẫu, sống có tinh thần trách nhiệm cao với các đồng đội…”.
Thần tượng Van Persie
Anh Kha, chị Ánh và cháu Văn không chỉ là một gia đình duy nhất đang sinh sống tại Trung tâm huấn luyện Hàm Rồng. Điều đặc biệt hơn cả, hoàn cảnh gia đình này chẳng khác gì chuyện cổ tích thời nay.
Ngày Văn Văn từ huyện Hòn Đất lên Rạch Giá ứng thí, mẹ em đang bị bệnh, bác sĩ chẩn đoán bị ung thư não. Trả lời phỏng vấn báo chí, Văn Văn hồn nhiên đáp: “Em có gắng thi đậu vào học viện HA.GL Arsenal JMG để mẹ hết đau. Em cố gắng tập luyện thành tài để có tiền chữa bệnh cho mẹ, giúp ba hết cực khổ. Thần tượng trước đây của em là tiền đạo Van Persie của Arsenal nay đã chuyển sang M.U. Bây giờ là Mesut Ozil… Còn ở học viện HA.GL Arsenal JMG, em thích nhất anh Công Phượng, vừa mạnh mẽ, nhanh nhẹn và khéo léo”.
Anh Kha cho biết thêm: “Cháu nó nói đúng, sau khi biết con trai mình thắng ở vòng sơ loại, lọt vào vòng chung kết, bệnh tình của mẹ thuyên giảm đi nhiều. Lên Pleiku dự VCK, mặc dù không trúng tuyển vào học viện, nhưng được CLB HA.GL chọn vào lớp năng khiếu, hiện nay bệnh tình của mẹ cháu giảm hẳn. Đi khám lại, bây giờ bác sĩ kết luận bệnh của bà chỉ là viêm phổi bá chứng, gây ra tình trạng đau đầu, chống mặt vậy thôi”.
Thực ra, chị Ánh đang sống cùng cha con anh Kha bây giờ là mẹ kế, còn mẹ ruột của Văn vẫn đang ở quê nhà là chị Huỳnh Thị Trang. Khi chị Trang đau nặng, anh Kha lấy thêm vợ hai về chung sống trong một ngôi nhà, bà nhỏ chăm bà lớn như hai chị em ruột thịt chăm sóc cho nhau. Thời gian sau sức khỏe của chị Trang dần dần tốt lên, anh Kha làm thêm một căn nhà nữa để chị Ánh ra riêng. Kể từ đó anh Kha “thân này ví xẻ làm đôi” đi đi, về về giữa hai ngôi nhà, giữa hai người đàn bà.
Đứng tư lự dưới gốc cây thông nhìn Văn Văn và các đồng đội hồn nhiên quần thảo quả bóng trong chân, anh Nguyễn Văn Kha thổ lộ: “Khi bài báo này được đăng, không biết bạn đọc nhận xét về tôi như thế nào nhỉ? Thôi thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh… mong mọi người thông cảm và chia sẽ giùm cho. Có điều gia đình, vợ chồng, con cái tôi vẫn đoàn kết với nhau như ruột thịt. Tôi và bà nhỏ lên Gia Lai làm việc, để tiền dành dụm chút đỉnh, hàng tháng gửi về cho bà lớn ở quê chữa dứt bệnh. Không ít người cảnh báo với tôi rằng, coi chừng khi bệnh lý của bà lớn hết thì sẽ phát sinh ra bệnh đau đầu mãn tính ở cả hai bà. Nhưng tôi dám chắc sẽ không có chuyện đó…”.
Thế đấy, ở học viện HA.GL Arsenal JMG không chỉ có chuyện đá bóng, học chữ, học làm người, đó còn là xã hội thu nhỏ với đủ thứ trên đời. Trong đó có niềm hạnh phúc của một gia đình với “chuyện ba người”.
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ