Chuyện chưa kể về thương vụ bản quyền World Cup 2018
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 8/6, nghĩa là chỉ 6 ngày trước khi World Cup 2018 sẽ chính thức khởi tranh, VTV mới xác nhận đã mua được bản quyền ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
- VTV thông báo chia sẻ bản quyền World Cup 2018 cho nhiều đài truyền hình
- ĐẾM NGƯỢC World Cup 2018: VTV sẵn sàng chia sẻ bản quyền World Cup. ‘Thế hệ vàng của Bỉ hơn thế hệ vàng của Anh’
- VTV đã chính thức có bản quyền World Cup 2018
Trong lịch sử các lần mua bản quyền World Cup của VTV trong nhiều năm qua thì có lẽ "cuộc chiến" năm 2018 là gian nan và khó khăn nhất, và nhiều lúc thậm chí tưởng chừng như World Cup 2018 sẽ không thể đến với người hâm mộ Việt Nam.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở việc đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình World Cup 2018 ở khu vực châu Á là Infront Sports & Media đưa ra một mức giá quá cao, lên tới 15 triệu USD, khiến không một đài truyền hình nào ở Việt Nam có khả năng tiếp cận, kể cả VTV.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, thực ra VTV đã triển khai mua bản quyền World Cup 2018 từ khá sớm, bắt đầu từ năm 2016, nhưng do con số mà VTV đưa ra còn cách biệt rất lớn với con số mà Infront Sports & Media đòi hỏi nên cả 2 không thể tìm được tiếng nói chung.
Thậm chí, đã có một thời gian khá dài Infront Sports & Media còn không buồn phản hồi lại đề nghị hỏi mua bản quyền World Cup 2018 của VTV, khiến cho Việt Nam trở thành quốc gia cuối cùng trên thế giới mua được bản quyền World Cup 2018.
Trong hoàn cảnh VTV đang gặp khó khăn với việc thương thảo giá cả cùng Infront Sports & Media như vậy thì sự đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) và sau đó là Tập đoàn Vingroup có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Thực tế là trong những ngày vừa qua, câu chuyện được quan tâm nhất ở Việt Nam chính là việc liệu người dân có được xem trực tiếp hợp pháp và miễn phí các trận đấu của World Cup 2018 hay không, bởi đã từ nhiều năm nay World Cup luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu với người hâm mộ Việt Nam. Thế nên, áp lực dành cho VTV là rất lớn.
Trong khi đó, với tư cách là kênh truyền hình quốc gia, VTV không chỉ quan tâm tới World Cup mà còn phải để dành kinh phí cho các sự kiện thể thao khác cũng rất được quan tâm trong thời gian sắp tới như Asian Games năm 2018, AFF Cup năm 2018 và Asian Cup 2019.
Bởi thế, VTV không có khả năng dốc hết ngân sách mua bản quyền trong năm 2018 chỉ để phục vụ World Cup 2018, và hơn lúc nào hết, VTV rất cần tới sự trợ giúp kịp thời và cần thiết của những doanh nghiệp có tâm với người hâm mộ bóng đá nước nhà, và thực tế là VTV đã "cầu được ước thấy".
Trong thông cáo báo chí phát đi vào tối ngày 10/6, VTV cho biết: "Ngay từ những ngày đầu tiên đàm phán mua bản quyền World Cup 2018, Đài THVN đã nhận được sự đồng hành đóng góp quan trọng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel. Viettel đã cam kết đầu tư kinh phí cùng VTV để mua bản quyền World Cup 2018”.
Và “ngày 7/6, Tập đoàn Vingroup đã quyết định tham gia tiếp sức cùng VTV mua bản quyền truyền phát sóng vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2018 tại Việt Nam". Đây là quyết định vào phút chót, 1 ngày trước khi hợp đồng bản quyền được ký kết.
Sự hỗ trợ quý giá và kịp thời của những doanh nghiệp có tấm lòng hảo tâm và hào hiệp như Viettel và Vingroup chính là chìa khoá để mở lối ra cho sự bế tắc của bài toán bản quyền truyền hình World Cup 2018 ở Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào cuộc chiến mua bán bản quyền truyền hình World Cup, vì năm 2005 FPT đã mua được bản quyền World Cup 2006, nhưng sau đấy FPT buộc phải sang tay không có lãi cho VTV và HTV vì FPT nhận thấy không có khả năng kiếm được lợi nhuận từ món hàng này.
Tuy nhiên, câu chuyện năm 2018 lại rất khác, khi cả Viettel lẫn Vingroup đều chủ động giúp đỡ VTV mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Họ là những doanh nghiệp đặt lợi ích của cộng đồng lên trên những trao đổi thương mại.
Có thể nói, sự phối hợp ăn ý của VTV với Viettel và Vingroup trong câu chuyện bản quyền World Cup 2018 đã mở ra một hướng đi mới đối với những thương vụ tuy rất đắt đỏ về mặt thương mại nhưng vẫn rất cần được thực hiện nhằm phục vụ lợi ích của cộng đồng.
MM