Chuyện chưa kể về Hát múa Ải Lao (kỳ 1): Từ huyền tích về điệu hát của trẻ chăn trâu
Là một bộ phận quan trọng làm nên giá trị của Hội Gióng Phù Đổng - đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (cùng với Hội Gióng Sóc Sơn) - bản thân hát múa Ải Lao cũng từng được công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Vậy nhưng, dường như còn ít người biết về điệu hát đặc biệt của đất Gia Lâm (Hà Nội) này, cũng như những nỗ lực của cộng đồng để gìn giữ nó trong nhiều năm ròng rã.
1. Hát múa Ải Lao ra đời vào niên đại nào vẫn đang còn là câu hỏi chưa thể tìm ra lời giải đáp chính xác nhất. Đầu thế kỷ 20, từ những nghiên cứu của mình, cố GS-TS Nguyễn Văn Huyên đã đi đến nhận định rằng việc tổ chức Hội Gióng, ngày nay mới bắt đầu từ khoảng thế kỷ 11, đời Lý Thái Tổ. Tiếp bước những nghiên cứu của cha, PGS-TS Nguyễn Văn Huy đưa ra đoán định, loại hình nghệ thuật hát múa Ải Lao hình thành vào đầu thời Lý. Song theo tích truyện người dân trong làng truyền lại, loại hình nghệ thuật này được biểu diễn sớm nhất vào thời Hùng Vương thứ VI.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Hinh, trưởng phường hát Ải Lao kể lại một truyền thuyết: Thuở ấy, giặc Ân sang xâm lược. Trên đường đi đánh giặc, ông Gióng qua bờ sông Thiên Đức tình cờ gặp đám trẻ mục đồng làng Hộ Xá (sau đổi là làng Hội Xá, từ năm 2004 trở thành cụm dân cư số 1 phường Phúc Lợi, quận Long Biên). Đám trẻ buộc trâu lại, theo ông Gióng đi đánh giặc, tới khi thắng trận thì trở về. Khi ấy Thánh Gióng đã bay lên trời, người mẹ già ở lại buồn rầu vì mỏi mòn nhớ con trai.
Biết nỗi u sầu của bà, vua Hùng sai sứ giả đi tìm người có thể động viên làm bà vui vẻ. Đám trẻ mục đồng làng Hội Xá biết chuyện, đến xin nhà vua cho vào hát múa, lại tâu vua cho đóng cái gióng xung quanh để trong khi hát người ngoài không thể bước vào. Những bài hát của đám trẻ chăn trâu từng theo con trai đánh giặc khiến mẹ Gióng vui trở lại. Vua Hùng trọng thưởng, cho chúng khoảng hơn 30 mẫu ruộng ở bên bờ sông Thiên Đức (sông Đuống) để an cư lạc nghiệp, còn cho phép hàng năm được tới diễn xướng trong Hội Gióng.
Theo truyền thuyết ấy, hát múa Ải Lao từ câu ca, điệu múa của đám trẻ chăn trâu để làm vui lòng người mẹ xa con đã dần trở thành một trong những loại hình hát thờ được biểu diễn vào ngày đản sinh của Thánh Gióng tại đền Phù Đổng. Đến giờ, lọại hình nghệ thuật này đã song hành và trở thành một phần không thể thiếu của Hội Gióng Phù Đổng.
2. Ngày 9/4 Âm lịch theo truyền thuyết là ngày Thánh Gióng giáng thế. Tương ứng với dịp ấy, Hội Gióng Phù Đổng được chuẩn bị kỹ lưỡng từ cuối tháng 2 đến tháng 4 Âm lịch hàng năm. Hội do người dân của 5 làng đóng góp cùng làm, đó là các làng Phù Dực, Phù Đổng, Đổng Viên, Đổng Xuyên và Hội Xá - nơi lập nên phường hát múa Ải Lao không thể thiếu trong Hội Gióng. Cũng bởi vậy, từ xưa tới nay, người dân trong làng vẫn luôn tự hào về nghệ thuật diễn xướng của cha ông mình với câu khẩu ngữ "Phi Ải Lao bất thành Hội Gióng", tức không có phường Ải Lao sang biểu diễn thì Hội Gióng thiếu vắng đi nét đặc sắc của một lễ hội độc nhất vô nhị.
Vào thời phong kiến, dân làng chưa thành lập phường hát múa cố định và thống nhất về số lượng thành viên như bây giờ, việc tổ chức phường hát Ải Lao được giao luân phiên qua từng năm cho 4 giáp Đông, Đoài, Nam, Bắc trong làng, mỗi năm sẽ tới lượt một giáp tham gia vào hoạt động hát múa. Ngày ấy, năm nào cũng tổ chức lễ hội, nên năm nào từng giáp của làng Hội Xá cũng phải chọn trai đinh từ đủ 18 tuổi trở lên đến hát múa phục vụ hội. Hội tổ chức từ ngày mùng 6 tới 12/4 Âm lịch, đàn ông trong các giáp của làng Hội Xá phải có mặt biểu diễn từ ngày mùng 6, cho tới ngày 13 khi hết hội mới về.
Phường múa hát Ải Lao có sự tham gia của 1 ông trùm (chỉ huy chính), 1 người cầm cung (tượng trưng cho người đi săn), 1 người cầm cần câu (tượng trưng cho ông câu như câu hát "Có người câu cá hồ ao/ Thấy đi đánh giặc cũng vào đoàn ta" trong hát múa Ải Lao), 2 người cầm cờ lau, 1 người múa hổ (tượng trưng cho ông Hoàng Hổ, gắn với câu hát "Bông lau rực rỡ hoa cà/ Có ông Hoàng Hổ nhảy ra giúp người). Ngoài ra, phường còn có 1 người đánh trống khẩu, 1 người đánh thanh la, khoảng 12 người vừa hát, vừa gõ sênh (làm bằng khúc tre già được vót chỉ lấy phần cật sau đó phơi khô), cùng với đó là đình cả, đình nhì (những người đứng đầu giáp) và 1 ông mõ đi theo quản lý cả phường, phục vụ cơm nước.
Bởi vang vọng khắp lễ hội là âm thanh "tùng tùng choạc, tùng tùng choạc" từ tiếng trống khẩu, tiếng thanh la và tiếng sênh, nên xưa kia còn có tên là phường Tùng Choạc, sau đấy thì được gọi là phường Ải Lao, và cái tên ấy được sử dụng cho tới ngày nay như chúng ta đã thấy.
Bằng lời ca tiếng hát, 30 bài hát của nghệ thuật hát múa Ải Lao, theo như trí nhớ của cụ Nguyễn Văn Lũy - một nghệ nhân kỳ cựu trong làng -là sự tái hiện trước mắt người xem đầy sống động về trận đánh của Phù Đổng Thiên Vương năm xưa đã quét sạch vó ngựa của giặc Ân xâm lấn bờ cõi nước ta. Tiếc rằng, tới nay các điệu hát này chỉ còn lưu giữ được hơn chục bài.
Chảy qua vùng đất Gia Lâm cũ, sông Đuống hay sông Thiên Đức xưa kia còn gắn với huyền tích về những đứa trẻ chăn trâu, đồng thời cũng là những "ông tổ" của một loại hình nghệ thuật mà vào tháng 9/2016 đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - hát múa Ải Lao.
(Còn tiếp)