Chuyện cầu thủ đồng tính: Xô đổ những bức tường
(Thethaovanhoa.vn) - Đánh bại đối thủ không dễ dàng. Vượt qua những khó khăn trở ngại khác trên sân cỏ có thể cũng như thế. Nhưng đập bỏ những bức tường định kiến trong cuộc sống ở ngoài sân bóng lại là một điều gian nan bội phần đối với giới cầu thủ, nhất là khi cầu thủ ấy thuộc về cộng đồng LGBT.
1. Megan Rapinoe, đội trưởng đội tuyển nữ Mỹ, nhà vô địch giải World Cup nữ 2019 vừa kết thúc, là một người đồng tính nữ công khai, và cô tự hào về điều này. Cô nói: “Bạn không thể vô địch một giải đấu mà không có cầu thủ đồng tính trong đội hình. Khoa học đã chứng minh điều này”. 2 đồng đội khác của cô trong đội Mỹ, cả HLV của họ cũng là những người đồng tính công khai. Có tới 40 nữ cầu thủ tham dự World Cup này là người đồng tính nữ. 4 năm trước, khi Mỹ lên ngôi ở World Cup nữ 2015, Abby Wambach, đội trưởng đội Mỹ, cũng là một người đồng tính. Và Wambach cũng như Rapinoe, đều coi World Cup nữ như là một cơ hội tuyệt vời nhất để khuếch trương quyền của giới LGBT.
Điều gì đã xảy ra, phải chăng họ là nữ giới, ít được quan tâm hơn trong bóng đá hiện đại, và họ là những người Mỹ, vốn rất cởi mở trong vấn đề này? Câu trả lời là “có lẽ”. Những thói quen, những định kiến, những tính toán liên quan đến danh vọng và tiền bạc đã ăn sâu vào đời sống bóng nam từ rất lâu và đòi hỏi không chỉ sự dũng cảm của các cá nhân thuộc giới ấy, mà còn cả sự cởi mở và chân thành từ số đông các cổ động viên. Tại Anh, từ vài năm nay, người ta đã đồn đại rằng, có một ngôi sao Premier League muốn công khai mình là người đồng tính, nhưng CLB của anh, dù ủng hộ cá nhân anh, nhưng lại cảm thấy lo ngại về phản ứng của cổ động viên và nhà tài trợ, nên đã khuyên anh chưa nên làm việc này.
2. Trước đó, có một tài khoản Twitter có tên @Footballer Gay đã gây sự chú ý đối với dư luận khi mập mờ tiết lộ anh là một cầu thủ đồng tính đang chơi ở giải hạng Nhất. Sự chú ý càng tăng khi Ryan Atkins, trọng tài chuyên nghiệp đầu tiên ở Anh, lên tiếng ủng hộ việc hai cầu thủ này công khai trước dư luận về giới tính thật của mình. Họ im lặng, có lẽ vẫn còn vì lo ngại phản ứng của dư luận Anh. Bi kịch của John Fashanu vẫn là một nỗi ám ảnh đối với rất nhiều người, khi cầu thủ này tự tử vào năm 1998 ở tuổi 37, sau nhiều năm bị dư luận công kích và fans la ó về việc anh đã công khai đồng tính 8 năm trước đó. Cho đến nay, Fashanu là cầu thủ người Anh đầu tiên và duy nhất ở hạng cao nhất bóng đá Anh tuyên bố công khai mình là gay. Có một cầu thủ từng chơi ở Premier League cho Aston Villa, Everton và West Ham cũng đã công khai giới tính của mình, nhưng điều này chỉ diễn ra sau khi anh giải nghệ vào năm 2014, và anh là một người Đức. Đó là Thomas Hitzlsperger. Anh nói vào lúc đó rằng, sở dĩ anh làm thế sau khi rời sân cỏ là vì không muốn “cả thế giới nhìn chằm chằm vào anh trên sân bóng, không phải vì anh là một cầu thủ, mà vì là gay”.
3. Ở Italy, một quốc gia đa số theo Công giáo, người ta cũng đã đồn đoán về sự tồn tại của giới gay ở Serie A, nhưng các “nhân vật chính” cũng không dám công khai điều này. Cựu tiền đạo của Juve, Inter và Roma Pablo Osvaldo nói thẳng rằng, anh biết họ là ai, nhưng “bóng đá Ý chưa sẵn sàng cho điều này, và sẽ hủy diệt họ một khi họ lên tiếng”.
Bức tường rất dày, nhưng cũng rất mong manh. Nhưng không ai đủ dũng cảm đập nó, khi họ còn đang thi đấu trên sân. Rồi một ngày nào đó, họ cũng sẽ nói ra tất cả và tự giải thoát mình khỏi một gánh nặng kinh khủng đã đè nặng biết bao năm, gánh nặng có tên “thực sự tôi là ai”...
Anh Ngọc