Chuyện 'bóng banh' với anh hùng không quân Nguyễn Thành Trung
(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên gặp vị anh hùng huyền thoại của không quân Việt Nam là cuộc hạnh ngộ thú vị. Chỉ cần mấy phút trò chuyện, không khó cảm nhận đây là một trong những “người hiền” còn sót lại.
Bóng đá phải kéo được khán giả đến sân
“Nào, bây giờ đừng nói chuyện chính trị nữa, tôi nói chuyện chính trị đã hơn 40 năm rồi, nói chút bóng banh cho vui đi cậu”.
- Xin phép hỏi thật, bác có mê bóng đá không ạ? Và, nhìn hình tư liệu bác trong bộ đồ bay quá điển trai, không biết lúc đó chắc khối gái đẹp mê?
- Có. Tôi rất mê bóng đá. Ngày xưa tôi cũng luôn quần thảo bóng đá với trẻ con trong xóm. Đến khi trưởng thành và hoạt động cách mạng trong màu áo địch, tôi vẫn luôn có thói quen chơi bóng đá, đá cũng tốt ở vị trí tiền đạo đấy nhé. Cũng phải thừa nhận phi công thời đó phụ nữ mê lắm, nhưng nói thật vẫn thua cầu thủ, thua anh Phạm Huỳnh Tam Lang hết.
Và rồi, ông ngước mắt xa xăm, kể về một thời là tín đồ của bóng đá trên sân Thống Nhất, chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của bóng đá Sài Gòn. Ông mê đắm Phạm Huỳnh Tam Lang, yêu mến những Lâm Hồng Châu (thủ môn), Lại Văn Ngôn, Phạm Văn Lắm, Văn Có, Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Vinh Quang, Nguyễn Văn Ngôn, Dương văn Thà, Đổ Thới Vinh, Nguyễn Văn Mộng,…
Thói quen đá bóng và đi xem bóng đá một thời, ông bảo như làm dịu đi vết thương luôn rớm máu trong lòng, giúp ông mẫn tiệp hơn để trọn lời thề với cách mạng.
“Cảm giác về bóng đá luôn kỳ diệu. Sân Thống Nhất lúc nào cũng đông nghịt. Các trận bóng ngoài miền Bắc cũng thế. Thực ra, khán giả chỉ giảm hơn chục năm gần đây thôi. Không biết giờ họ làm bóng đá kiểu gì mà ngày càng vắng khán giả. Giờ tôi chủ yếu xem HAGL thi đấu thôi. Tôi mê Tuấn Anh, xem cậu ấy đá trung vệ tôi thấy bóng dáng của Phạm Huỳnh Tam Lang ngày nào. Tuấn Anh mới là cầu thủ quan trọng nhất, chứ không phải Công Phượng”.
“Hãy chia sẻ với bầu Đức”
68 tuổi, vẫn đồng hành với bầu Đức thường xuyên trên những chuyến bay riêng trong và ngoài nước, hơn ai hết, ông Nguyễn Thành Trung hiểu rõ bầu Đức là người thế nào.
Tôi hỏi ông: Có phải bầu Đức chán bóng đá như đã phát biểu? Có nguy cơ ông ấy bỏ bóng đá, giải tán Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG?
- Ông Đức không chán bóng đá nhưng ông ấy chán nhiều lãnh đạo ở VFF. Chuyến bay gần nhất, nói chuyện VFF ông ấy gạt phắt bảo đừng nhắc đến VFF nữa.
Họ đã không tôn trọng ông Đức, không giữ chữ tín, tôi là người chứng kiến những tình bạn bóng đá của ông Đức. Tôi không hiểu sao khi làm quan chức VFF rồi, ở đó có cái gì gì đó mà nhiều người tôi quen biết và rất thân thương với ông Đức đã thay đổi hẳn tâm tính, đánh mất hết khí phách, cốt cách. Tôi nghĩ mọi người nên chia sẻ với bầu Đức nỗi khổ tâm ở khía cạnh này, chứ không phải ông ấy cay cú khi lứa Công Phượng không được trọng dụng để trở thành nóng cốt ở đội tuyển đâu. VFF không đoàn kết, không nhìn về một hướng thì nền bóng đá khốn khó là tất yếu.
Còn giải tán Học viện bóng đá, tôi nghĩ không bao giờ ông Đức làm thế. Nhiều chuyến bay ông ấy rất mệt mỏi nhưng nói đến Học viện bóng đá là ông ấy phấn chấn rất lạ. Ông Đức bảo phải kiên nhẫn chờ vào tương lai thôi”.
“Đừng cố bám víu vào ông Miura”
Thật bất ngờ, khi vị anh hùng không quân Việt Nam tỏ ra là người “tẩy chay” ông Miura khá quyết liệt, cùng sự hiểu biết bóng đá không tệ.
Ông lý giải, triết lý huấn luyện của Miura là dùng thể lực để khỏa lấp kỹ- chiến thuật. “Cách huấn luyện đặt nền tảng thể lực lên trên hết nhiều HLV ngoại đã thực hiện lâu rồi, có phải riêng ông Miura đâu. Tôi không thấy bài vở gì mới mẻ ở U23 và đội tuyển quốc gia thi đấu.
Lối chơi, chiến thuật mơ hồ. Tôi thấy ông Miura huấn luyện thế hỏng hết bóng đá Việt. Cầu thủ HAGL cũng hỏng hết dưới tay ông. Cho nên, theo tôi nên để HLV Miura nghỉ, mời HLV ngoại thật giỏi về dẫn dắt thì bóng đá Việt Nam mới hy vọng có thành tích tốt. Cần phải thẳng thắn như thế, tôi không hiểu có cái gì đó mà VFF lại cứ không nhận ra ông Miura không giỏi để cho nghỉ?”.
Chia tay người anh hùng - nhà tình báo lão luyện, những chia sẻ ngắn ngủi về bóng đá Việt Nam của ông thật đáng suy ngẫm, nhất là sắp có “Hội nghị Diên Hồng bóng đá”. Với người vào sinh ra tử, lập nhiều chiến công hiển hách, và cũng là nhân chứng của bóng đá Việt Nam dưới tư cách người hâm mộ - những tâm sự chân tình, thẳng thắn của ông là đáng quý trọng, cần được tiếp nhận.
1947. Nguyễn Thành Trung sinh năm 1947 là cựu Đại tá Không quân Nhân dân Việt Nam. Ông là người đã lái máy bay F-5E ném bom vào dinh Độc Lập ngày 8 tháng 4 năm 1975 và là người Việt Nam đầu tiên lái máy bay Boeing 767 và 777. 35. Ông nguyên là Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), cơ trưởng, giáo viên của loại máy bay Boeing 777 và là phi công dày dạn kinh nghiệm nhất của Việt Nam với hơn 35 năm kinh nghiệm và hơn 22000 giờ bay. 2008. Ông đã tham gia tổ phi công lái máy bay riêng cho bầu Đức, người đầu tiên tại Việt Nam đã sở hữu máy bay riêng. |
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa