Chuyện bộ tranh khổng lồ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Theo đánh giá của giới chuyên môn, hình tượng “anh hùng xuất thế” độc đáo này là nét mới trong tranh bích họa lịch sử. Nó cũng hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh tiểu sử Đại tướng và cũng đúng tinh thần: “Nếu không có chiến tranh, tôi đã là một thầy giáo” của Người.
***
Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn, chủ nhân giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2008 chia sẻ: “Tôi đến với dự án này như một cơ duyên. Anh Trần Thanh Tùng, người sáng lập dự án Huyền thoại Việt Nam có đến đặt vấn đề với tôi về một bộ tranh bích họa lớn mô tả lại toàn bộ cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh không nói cụ thể nhưng chúng tôi đều hiểu thời buổi này vẽ bích họa lịch sử chỉ là một phiêu lưu biết trước hồi kết khó khăn về đầu ra. Nhưng tôi vẫn đồng ý tham dự vì tôi đặt cược vào những giá trị vĩnh hằng, vào niềm tin về những điều thiêng liêng của dân tộc…”
Từ cuộc gặp gỡ của những “tay mơ” ấy, họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn gò mình hàng năm ròng bên những trang tư liệu về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những cuộc gặp gỡ với những người đã tiếp xúc với Đại tướng (đặc biệt là người nhà) cũng là tư liệu quan trọng để anh tạo độ rung mỹ cảm khi thực hiện tác phẩm.
Sau khi có đầy đủ thông tin, Nguyễn Doãn Sơn bỏ tiền túi ra thuê một xưởng tranh rộng 70m 2 ở Hà Đông (Hà Nội) để thực hiện các tác phẩm khổng lồ. Khi những ý tưởng đã rõ ràng, những dữ liệu sẽ đưa vào tranh cũng đầy đủ, vấn đề xảy ra với Doãn Sơn là cách sắp đặt bố cục trên nền bức tranh khổng lồ để kể câu chuyện mạch lạc, không bị rối.
“Vẽ một nhân vật, một con người lịch sử không phải đơn giản là đặt một con người vào một diện tích khung tranh thật to. Mà người nghệ sĩ phải phác họa phối cảnh và thần thái để nêu bật cái trí, cái dũng của bậc anh hùng”, họa sĩ Doãn Sơn cho biết.
Sau một thời gian dài trằn trọc, Nguyễn Doãn Sơn quyết định thực hiện bộ tranh khổng lồ mang tên Trường ca gồm 4 bức tranh phác họa cuộc đời Đại tướng gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong kháng chiến chống Mỹ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đời thường, khi về già. Trong đó, mỗi bức tranh dài từ 6 tới 8 mét.
***
Phần 1 của bộ tranh hoàn thiện trong 1 năm và trưng bày trong triển lãm Danh tướng Việt Nam qua tác phẩm nghệ thuật. Bức tranh lập tức gây được ấn tượng mạnh khi vị anh hùng được phác họa nhỏ nhắn, thư sinh và bình dị. Trong khi trước đó, những vị “anh hùng xuất thế”, nhất là anh hùng quân sự đều được mô tả với dáng vóc lớn, gân guốc, dũng mãnh.
Sự tương phản giữa nét điềm đạm của Đại tướng với phông nền đằng sau là những câu chuyện gay gắt, gam màu trầm buồn nhắc lại những ký ức đau thương khiến thông điệp tác phẩm gửi gắm dễ dàng đến với khán giả. Những sự kiện buồn được nhắc lại ở nền tranh như: Sự kiện Thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng năm 1858, mở màn cho cuộc xâm lược Việt Nam; sự kiện vua Duy Tân lên nối ngôi sau khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp bắt lưu đày; sự kiện khởi nghĩa Yên Thế bị đàn áp dã man, các nghĩa sĩ bị thực dân Pháp chặt đầu...
“Tôi bị ám ảnh bởi câu nói “nếu không có chiến tranh, tôi là một thầy giáo” của Đại tướng. Đặt vào trong bối cảnh đất nước lầm than, người thầy giáo sử thư sinh buộc phải “xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung”. Và thời cuộc ấy dành cho con người ấy, ông là sự lựa chọn của lịch sử”- Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn chia sẻ.
Mỹ Anh
Thể thao & Văn hóa