Chương trình "Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc năm 2024"
Chương trình "Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc năm 2024" ngoài đổi mới kết cấu chương trình giao lưu nghệ thuật còn gắn kết chuỗi hoạt động an sinh xã hội với hành trình hướng về Điện Biên Phủ.
Chiều nay, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) diễn ra buổi họp báo về chương trình "Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc năm 2024" với sự chủ trì của Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin truyền thông Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo đó, chương trình do "Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc năm 2024" Ban Thông tin truyền thông Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng Công ty Cổ phần Sen Cộng tổ chức, dự kiến diễn ra vào tháng 8/2024 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đây là lần thứ 8 chương trình "Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc" được tổ chức trong vòng 10 năm qua. Chương trình nhằm đề cao đức hạnh của lòng hiếu thảo, tinh thần tri ân và báo ân, biết ơn nguồn cội tổ tông, giáo lý Phật giáo, là nén tâm hương thành kính tri ân của thế hệ con cháu kính dâng lên hương linh những người đã khuất, các bậc tiền nhân đã có công sinh thành dưỡng dục, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo chia sẻ của đạo diễn Việt Văn, chương trình được dàn dựng, nêu bật ý nghĩa "Văn hóa hiếu đạo" với nội dung được dàn dựng công phu, các tiết mục biểu diễn sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm và nghệ thuật đầy ý nghĩa, để khi tấm rèm sân khấu khép lại, những ấn tượng, những cung bậc cảm xúc vẫn âm vang, thổn thức và thực sự gây rung động, có thể chạm tới trái tim của khán giả. Qua đó, mỗi người sẽ nhận ra rằng, giữa dòng đời tất bật bôn ba có một chốn neo đậu bình yên trong cuộc đời, đó là nơi ta trở về với ơn đức sinh thành, ơn nghĩa với đồng bào, với quê hương đất nước, trân quý những phút giây hiện tại, tự hào về quá khứ hào hùng của cả một dân tộc và ý thức trách nhiệm bản thân về tương lai tươi đẹp và phát triển của đất nước.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, ba trụ cột văn hóa quan trọng nhất ở Việt Nam là gia đình - cộng đồng làng xã và quốc gia dân tộc. Đức báo ân, báo hiếu trong Phật giáo có khả năng tạo lập chất keo gắn kết các cá nhân với gia đình, cộng đồng và xã hội. Điều này thể hiện qua Đại lễ Vu Lan báo hiếu, không chỉ nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến thâm ân chư Phật, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và công ơn giáo dưỡng của Thầy Tổ, Vu Lan là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến đất nước đồng bào, đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhớ tới ơn đức cao cả của các bậc cha ông, anh hùng liệt sĩ đã sống, chiến đấu và hy sinh vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
"Sống trong tinh thần tri ân báo ân của nhà Phật, chúng ta hiểu cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay chúng ta đang được hưởng, có được nhờ những hy sinh thầm lặng của các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đó là một trọng ân trong tứ ân mà chúng ta không thể không báo đáp", Hòa thượng Thích Gia Quang nói.
Nhằm lan tỏa giá trị ra cộng đồng bằng hành động thiết thực cụ thể, trước khi chương trình giao lưu nghệ thuật diễn ra, vào tháng 7/2024, BTC sẽ có chuyến hành hương "Theo dấu chân Chiến sĩ Điện Biên năm xưa", viếng mộ thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại chiến trường Điện Biên trong những năm kháng chiến chống Pháp khốc liệt. BTC cũng sẽ dành kinh phí tặng quà và sổ tiết kiệm cho một số Mẹ Việt Nam Anh hùng, người già neo đơn không nơi nương tựa và các mảnh đời đang gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Dự kiến, Ban tổ chức sẽ trao tặng nhà ăn cho trẻ em tại điểm trường Nậm Ty thuộc Trường Tiểu học xã Hua Thanh (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) với sức chứa 160 học sinh, tổng kinh phí khoảng 450 triệu đồng.