Chưa chọn được biểu trưng và bài hát SEA Games 31: Làm khó công tác tuyên truyền
(Thethaovanhoa.vn) - Đã gần 1 năm kể từ ngày cuộc thi sáng tác bộ nhận diện Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games lần thứ 31 Việt Nam 2021 diễn ra, song đến thời điểm hiện tại, BTC đại hội vẫn chưa thể công bố biểu trưng, biểu tượng, khẩu hiệu và bài hát chính thức. Điều này khiến công tác tuyên truyền cho ngày hội thể thao lớn nhất của khu vực đang đối diện với nhiều khó khăn.
Trễ hẹn quá lâu
Cuộc thi sáng tác bộ nhận diện SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á) bao gồm biểu trưng (logo), linh vật (mascot), khẩu hiệu (slogan) và bài hát đã diễn ra từ cuối tháng 8/2019 với mong muốn Việt Nam sẽ kịp giới thiệu tại Lễ nhận cờ đăng cai đại hội ở thời điểm bế mạc SEA Games 30, song vì nhiều lý do khác nhau, đến thời điểm hiện tại, BTC SEA Games 31 vẫn chưa thể công bố bộ nhận diện chính thức.
Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, từ hơn 1.000 tác phẩm dự thi của 500 tác giả gửi đến cuộc thi, qua 2 vòng chấm thi, Hội đồng giám khảo cuộc thi đã lựa chọn được 18 khẩu hiệu, 3 biểu trưng, 3 biểu tượng vui có chất lượng chuyên môn cao nhất. Từ những tác phẩm này, BTC cuộc thi đã mời những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm để thẩm định và thống nhất lựa chọn ra khẩu hiệu, biểu trưng, biểu tượng sử dụng chung cho cả hai đại hội.
Hiện tại, phương án được các chuyên gia thống nhất cao đề xuất đưa BTC SEA Games 31 lựa chọn là linh vật Sao La và biểu trưng “Cánh chim bay lên - bàn tay chữ V”. Riêng hạng mục khẩu hiệu dù đã BTC cuộc thi đã lựa chọn được tác phẩm để trao giải, song cần tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp hơn với tiêu chí của một đại hội thể thao và Tổng cục TDTT sẽ tiếp tục đề xuất, xin ý kiến BTC SEA Games 31.
Riêng đối với bài hát của SEA Games 31, BTC cuộc thi nhận được 10 tác phẩm dự thi. Trong đó, được đánh giá cao nhất là bài hát tựa đề "Cùng khắc tên mình vào núi sông" của tác giả Lê Xuân Đức, do ca sĩ Quang Dũng trình bày. Tuy nhiên, bài hát vẫn cần phải chỉnh sửa lại để phù hợp với chủ đề SEA Games, có tính đại chúng, có tính cổ động và dễ thuộc, dễ hát. Trong trường hợp nếu không chỉnh sửa được thì phương án “đặt hàng” cũng được tính tới.
Linh vật Sao la nhận được sự ủng hộ
Việc quyết định lựa chọn bộ nhận diện SEA Games 31 thuộc về BTC đại hội, trên cơ sở giới thiệu các tác phẩm nhận được sự đánh giá cao từ BTC cuộc thi. Hiện tại, linh vật Sao La đang nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao từ các chuyên gia và Hội đồng giám khảo cuộc thi. Theo lý giải từ Tổng cục TDTT, Sao La là mẫu biểu tượng vui đảm bảo được các tiêu chí về bố cục, tính thẩm mỹ và ý nghĩa, tinh thần, cử chỉ dáng điệu hình tượng gợi lên sự thân thiện, nhanh nhẹn, hoạt bát phù hợp với tinh chất, hoạt động thể thao.
Dưới góc nhìn khác, Sao La là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới, sinh sống trong núi rừng Việt Nam và Lào được mệnh danh là “Kỳ lân Châu Á”, được xếp hạng bảo tồn nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Sao La với cặp sừng thẳng, thuôn dài tạo hình chữ V tượng trưng cho tên gọi của đất nước Việt Nam và cũng là chữ cái đầu tiên của từ Victory (chiến thắng) trong tiếng anh.
Mẫu biểu tượng Sao La giúp cho bạn bè trong khu vực và quốc tế biết thêm những giá trị rất đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước Việt Nam. Ngoài ra mẫu thiết kế cũng đảm bảo được yếu tố linh hoạt trong sử dụng, sản xuất trên các chất liệu đồng thời đáp ứng được các tiêu chí về bố cục, tính thẩm mỹ và ý nghĩa.
Cùng với với đó, mẫu biểu trưng “Cánh chim bay lên - bàn tay chữ V” - hình ảnh bàn tay là biểu tượng của lòng nhân ái, tính nhân văn và ý chí cao thượng. Biểu tượng bàn tay được tạo hình với đặc điểm các ngón tay được cách điệu bằng nét mềm pha lẫn nét zích zắc, nhằm biểu đạt tính ý chí và sự mạnh mẽ, thể hiện tinh thần thể thao linh hoạt của các vận động viên.
Các nét vẽ hòa quyện với nhau tạo hình Bàn tay chữ V tượng trưng cho tên gọi của đất nước Việt Nam. Đồng thời, hình tượng chữ V cũng được thể hiện dưới dạng cánh chim hòa bình đang tung cánh. Qua đó truyền tải thông điệp về ý chí phi thường, khát vọng chinh phục và nghị lực vươn lên của tinh thần thể thao. Mẫu biểu trưng mang ngôn ngữ đồ họa cô đọng, tinh túy, dễ hiểu, toát lên tinh thần hân hoan chào đón của đất nước chủ nhà, mang thông điệp tốt đẹp, hòa bình và hào khí quốc gia Việt Nam.
Cần sớm quyết định
Theo kế hoạch tổ chức, SEA Games 31 dự kiến diễn ra từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 năm 2021, tính từ thời điểm này, chỉ còn hơn 1 năm nữa ngày hội thể thao lớn nhất của khu vực sẽ diễn ra tại Hà Nội và một số địa phương lân cận. Việc cân nhắc đưa ra quyết định cuối cùng về bộ nhận diện SEA Games 31 cần sớm được đưa ra, nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, cũng như quảng bá, giới thiệu đại hội tới nhân dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế.
Kể từ nhiều tháng qua, công tác chuẩn bị tổ chức nói chung và quyết định lựa chọn bộ nhận diện SEA Games 31 nói riêng bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19. Trong buổi làm việc mới đây vào trung tuần tháng 9 vừa qua với Tổng cục TDTT, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, công tác chuẩn bị cho việc đăng cai, tổ chức SEA Games 31 đã bị chậm mất ít nhất 3 tháng, vì thế tất cả sẽ phải vào cuộc với tinh thần và quyết tâm cao nhất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Theo kế hoạch, sau khi quyết định thành lập được công bố chính thức, BTC SEA Games 31 sẽ có phiên họp đầu tiên (dự kiến diễn ra vào ngày 29/9) để đưa ra một số quyết định về công tác tổ chức đại hội. Các vấn đề liên quan tới bộ nhận diện SEA Games 31 sẽ được đề cập trong phiên họp này và hi vọng, BTC đại hội sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng, tạo tiền đề thuận lợi trong công tác tuyên truyền cho đại hội nhằm thu hút sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ thể thao nước nhà và trong cả khu vực.
Linh vật SEA Games 22 từng được lựa chọn trước 1,5 năm Trong lịch sử, Việt Nam từng là nước chủ nhà SEA Games 22 vào năm 2003. Thời điểm đó, sau 4 lần góp ý sửa chữa, hoàn thiện một số chi tiết, đặc biệt là về hình họa so với nguyên mẫu dự thi, hình tượng Trâu Vàng (Kim Ngưu) được lựa chọn làm linh vật của đại hội và công bố chính thức vào tháng 04/2002, trước khi SEA Games 22 diễn ra khoảng 20 tháng. Hình tượng Trâu Vàng của tác giả Nguyễn Thái Hùng (họa sĩ xưởng phim hoạt hình Việt Nam) thoả mãn các tiêu chí: Con trâu gắn với nền văn minh lúa nước vốn rất phổ biến ở Đông Nam Á. Nó cũng gần gũi, mềm mại và dễ thể hiện hơn hình tượng rồng (vốn giàu chất điêu khắc hơn hình họa), nhất là khi đưa vào các môn thể thao cụ thể. Trâu vàng còn gắn với sự tích Hồ Tây (hiện còn đền Kim Ngưu tại Hà Nội) và con sông Kim Ngưu. Bức tượng lớn chú Trâu Vàng tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, trước cửa các khu vực thi đấu, hay chú Trâu Vàng nhồi bông, in trên đồ lưu niệm, hoặc trên mọi phương tiện thông tin đại chúng... thực sự trở thành hình ảnh biểu đạt thành công cho SEA Games 22 và đất nước, con người Việt Nam hòa bình, hữu nghị. |
Phúc Hưng