Chữa bệnh bằng y thuật và nghệ thuật
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Lỗ Tấn (1881 - 1936, Trung Quốc) đã nửa chừng bỏ học ngành y tại Nhật khi ông nhận thức ra rằng, tại cố quốc của ông người ta còn dùng “bánh bao tẩm máu người để chữa bệnh lao”. Lỗ Tấn đã rẽ sang con đường văn nghệ và dùng văn chương để góp phần thức tỉnh những u tối mà xã hội Trung Quốc thời ông sống đang đè nặng lên đời sống mọi con người.
Hiện nay, ở ta có rất nhiều bác sĩ kiêm nghệ sĩ và ngược lại. Có sự gặp gỡ của hai nghề nghiệp này trong cùng một con người bởi vì họ luôn mong muốn tìm ra giải pháp để con người vừa khỏe thể chất vừa khỏe tâm hồn và trí tuệ.
Sinh thời, nhà thơ, nhạc sĩ, bác sĩ Trương Thìn (1940 - 2012), quan niệm: “Sức khỏe của cơ thể là do “trời ban”, có người được trời “ban nhiều” nên cả đời không bệnh đau, có người “được ban ít” nên bệnh tật liên miên. Bệnh của cơ thể không đáng ngại bằng bệnh tật tâm hồn, muốn chữa bệnh trong tâm hồn không liều thuốc nào bằng nghệ thuật. Chính nghệ thuật làm cho tuổi thọ kiếp người được tăng thêm, đời sống kiếp người phong phú hơn.
Hiểu một nghĩa nào đó, cái đẹp của nghệ thuật làm cho con người sống ý nghĩa hơn, nhiều trường hợp bất tử”. Ông là người đã áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng nghệ thuật.
Mong muốn giúp con người khỏe cả về thân xác và tinh thần luôn được nhiều nghệ sĩ kiêm bác sĩ ấp ủ, thực hiện. Nhà thơ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho rằng: “Thể xác với tâm hồn là một cặp “song sinh” không thể tách rời. Người ta hay chúc nhau: “Thân tâm thường an lạc” là vậy!
Người làm thơ luôn có một tâm hồn rất nhạy cảm, đau được nỗi đau của người, khổ được nỗi khổ của người. Nên trong nghề y, có một tâm hồn nhân bản là rất cần thiết. Vì thế các đại học y lớn trên thế giới luôn buộc sinh viên y khoa năm đầu phải học một số tác phẩm tiểu thuyết”.
Có thể nói, Lỗ Tấn, Trương Thìn, Đỗ Hồng Ngọc hay nhiều thầy thuốc kiêm nghệ sĩ khác, họ vừa thực hành chữa bệnh bằng y thuật hay nghệ thuật cho người bệnh quanh mình; đồng thời họ còn thấy lĩnh vực y học còn là chất liệu cho các trang viết.
***
Năm 1965, khi còn là sinh viên năm thứ 3 y khoa, Đỗ Hồng Ngọc (sinh năm 1940) đi thực tập đỡ đẻ tại Bệnh viện Từ Dũ. Và chính công việc này đã tạo cảm xúc cho Đỗ Hồng Ngọc viết: “… Khi anh cắt rún cho em / Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé / Vì từ nay em đã phải cô đơn / Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ... ” - bài thơ “Thư cho bé sơ sinh”.
Lỗ Tấn, Trương Thìn, Đỗ Hồng Ngọc là những người từng học, từng hành nghề y, có cảm xúc rất mạnh để chuyển sở học và công việc khám chữa bệnh thành tác phẩm nghệ thuật. Những người làm nghề y luôn có cảm xúc như thế, thiết nghĩ vấn đề y đức luôn được họ coi trọng.
Bác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, cho rằng: “Người thầy thuốc dù ngày xưa được coi là quan đốc, đại phu hay ngày nay được coi là người cung cấp “dịch vụ chăm sóc sức khỏe” gì gì đi nữa thì cũng phải luôn đứng trước lương tâm chức nghiệp của mình. Người thầy thuốc gồm có cả ba: Người + Thầy + Thuốc. Người thì có “nhân đạo”. Thầy thì có “nhân đức”. Thuốc thì có “nhân thuật”. Nhân đạo, nhân đức, nhân thuật hợp lại mới thành cái gọi là… “y đức”. Không có nhân đạo, nhân đức thì còn lâu mới có y đức.
Cho nên y đức là chuyện không dễ. Không chỉ được đào tạo, dạy dỗ ở trường Y mà phải “gieo trồng” từ hồi niên thiếu, từ trong gia đình, từ môi trường xã hội. Khi ra trường, hành nghề, còn bị ràng buộc bởi Nghĩa vụ luận y khoa (Déontologie médicale), được “quản lý” bởi một đoàn thể nghề nghiệp. Còn nghệ thuật tự nó là cái “chân”, cái “thiện”, cái “mỹ”. Y đức cũng chính là chân - thiện - mỹ đó vậy”.
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa