Chữ và nghĩa: 'Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm'
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du chắc không quên mấy câu này:
“Nàng rằng: Non nước xa khơi
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”.
Đây chỉ là 2 câu trong trường đoạn lập luận dài dòng của Thúy Kiều với Thúc Sinh. Sau những tháng ngày chàng - nàng “rượu sớm trà trưa” với những cuộc vui từ đêm tân hôn (Huệ lan sực nức một nhà/ Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa), nàng Kiều mới nhẩn nha phân tích mọi lẽ cho Thúc Sinh hiểu rõ sự tình đang có (Tin nhà ngày một vắng tin/ Mặn tỉnh cát lũy lạt tình tao khang).
Ví mình là phận cát lũy (chỉ vợ lẽ), không thể quên một tao khang (chỉ vợ cả). Vợ chính của Thúc Sinh là Hoạn Thư - "Vốn nhà họ Hoạn danh gia" rất giỏi giang, tinh tường và không kém phần tai quái (Ở ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng vừa).
Kiều hình dung nếu không biết cách xử sự, cứ "giấu ngược giấu xuôi" thì sẽ xảy ra "sóng gió bất bình" thì "Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi". Kiều sẽ nhanh chóng trở về phận cũ (mòn mỏi ở Lầu xanh).
Không biết Nguyễn Du có lý tưởng hóa không. Nhưng công bằng mà nói, thì với tính cách của Kiều, chúng ta tin là nàng đủ sáng suốt để phân tích tình hình hết sức éo le trong một "đoạn cắt" rất đặc biệt của cuộc đời nàng.
Thúy Kiều đồng ý kết duyên cùng Thúc Sinh lúc đó, hoàn toàn không phải là một "giải pháp tình thế" mà là cảm cái lòng, cái nghĩa của chàng Thúc. Trong thâm tâm, nàng cũng biết Thúc Sinh "quen thói bốc rời", là một trang ăn chơi công tử, không phải là người đàn ông từng trải, sâu sắc, "chỉ non thề bể" thế đấy song khi gặp nguy nan chắc cái tình kia cũng mau tan. "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ", Kiều đã biết nhìn xa trông rộng, liệu bề thu xếp cho tình duyên éo le kia sao vẹn đôi đường.
Trong cuốn Từ điển thành ngữ Việt Nam (Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1993), thành ngữ “trong ấm, ngoài êm” được giải thích là: “1. Có quan hệ trong nội bộ cũng như với bên ngoài hòa thuận, êm ấm, yên ổn. 2. Trong nội bộ có đoàn kết, tốt đẹp thì các quan hệ bên ngoài mới yên ổn, êm thấm”. Nghĩa 1 (giống như lời nàng Kiều trong câu thơ trên) là lời khuyên cho mỗi gia đình. Nghĩa 2 là lời khuyên dành cho mỗi tập thể, mỗi cơ quan, tổ chức...
Tựu trung, mọi sự lớn nhỏ ở đời chỉ yên ổn, tốt đẹp "xuôi chèo mát mái" khi có sự đồng thuận từ bên trong nội bộ (mỗi gia đình hay mỗi tập thể) trước đã. Gia đình mà mất đoàn kết, lục đục, nay cãi nhau, mai cãi nhau, thậm chí xảy ra xô xát thì không thể (và không bao giờ) làm thành tổ ấm, không thể làm tốt công việc "đối nội, đối ngoại" với họ tộc, anh em làng xóm.
Nhà có công có việc, bà con láng giềng đến giúp mà vợ chồng nhà nọ cứ mặt nặng mày nhẹ với nhau (vùng vằng quăng ném, chửi chó mắng mèo) thì sẽ mất hứng, chẳng ai muốn giúp. Cũng vậy, cơ quan, đoàn thể nọ mất đoàn kết, 5 bè 7 bối. Hễ có xảy ra sự kiện gì cần chung tay quyết định thì lập tức phân hóa thành 2, 3 hoặc rất nhiều phe nhóm. Phe nào cũng cho rằng mình đúng, mình đứng trên lập trường khách quan, công tâm và dân chủ. Tất nhiên, xuất phát từ quan niệm định kiến như thế thì sẽ không bao giờ dẫn đến một sự đồng tâm nhất trí.
Trong tranh luận mà "1 thằng phát biểu 9 thằng khinh" thì chắc chắn không đi đến sự đồng thuận nào hết, dù rằng chỉ là đồng thuận hình thức. Đấy là chưa nói, chính từ sự bất đồng như thế mà để giành lợi thế cho mình, người ta sẵn sàng "vạch áo cho người xem lưng" (ví hành động tự để lộ cái không tốt, không hay của mình hoặc trong nội bộ mình cho người ngoài biết). Và thế là "trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông" (để lộ thông tin, nhanh chóng để lan tỏa ra, đến mức người trong nhà, trong nội bộ còn chưa nắm bắt được hết mà người bên ngoài đã biết rõ, biết tường tận). Như thế thì chính ta hại ta bằng các hành vi, ứng xử thiếu tỉnh táo, không đúng mực của mình. “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Vợ chồng nọ vui vẻ và đồng thuận còn mang lại sức mạnh to lớn thế, huống hồ một tập thể đoàn kết, trên dưới một lòng. “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Cũng phải nói thêm rằng, trong những trường hợp như vậy, vai trò của người chủ sự gia đình hay của người đứng đầu cơ quan, tập thể rất quan trọng. Trong gia đình, đó là người chồng - đóng vai trụ cột. Trong tập thể, đó là thủ trưởng - đóng vai "thuyền trưởng" đứng mũi chịu sào.
Trước hết họ phải hết sức bình tĩnh, giữ thăng bằng trước đã, để chèo lái con thuyền ra khơi xa trong cơn sóng gió không bị ngả nghiêng. Kế đó, họ phải là tấm gương, là mẫu mực trong mọi lời nói và hành động. Tấm gương đó biểu thị qua sự công tâm, sáng suốt, ở nhiệt tình trách nhiệm và sự khéo léo trong phát ngôn, ứng xử.
Mọi sự bột phát nóng nảy (cực đoan, hiếu thắng) sẽ không thể có suy nghĩ tỉnh táo, sáng suốt được. Có thế, ta mới có cơ giữ cho "trong ấm" để từ đó mà có cách đối đãi, ứng xử thích hợp để có "ngoài êm".
“Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”. Câu nói (với triết lý hết sức đơn giản đó) của nàng Kiều năm xưa vẫn còn vang lên, là bài học thấm thía với mỗi người chúng ta trong cuộc sống hôm nay.
PGS-TS Phạm Văn Tình