Chữ và nghĩa: Phông bạt - có vào từ điển?
Dư luận, đặc biệt là mạng xã hội gần đây sử dụng (và sau đó bàn tán sôi nổi) về một từ (không chỉ "hot" mà "rất hot"): phông bạt. Từ này thậm chí còn vào đề kiểm tra của một trường phổ thông.
Đây là một tổ hợp 2 từ bình thường của tiếng Việt: Phông + bạt. Phông, vốn là từ gốc Pháp (fond, gốc Latin là fundus) có tới 5 nghĩa: 1. sức lực tiềm tàng, dai sức; 2. vốn học căn bản (VD: Phông tri thức, phông văn hóa…); 3. (article de fond: Bài phông, bài chính), bài xã luận trên báo chí; 4. khung cảnh ở sau sân khấu, vũ đài, làm nền cho hoạt động biểu diễn, thi đấu; 5. cái nền của một bức tranh (VD: Bông hoa vẽ trên phông rất ấn tượng)-(Theo Bùi Khắc Việt - Vương Lộc, "Từ điển các từ gốc Âu Mỹ trong tiếng Việt", NXB Dân trí, 2022).
Có lẽ từ "phông" mà chúng ta đang bàn thuộc nghĩa 3 (khung cảnh trên sân khấu, võ đài), cũng bởi nó kết hợp với từ "bạt". "Bạt" cũng là từ gốc Pháp (bâche, baschoe, gốc Latin là bascanda), có nghĩa "vải dày và cứng, dệt bằng sợi xe săn, dùng để che mưa nắng" (từ điển, đã dẫn).
Phông và bạt đều là những sản phẩm làm từ sợi vải, sợi đay, sợi nilon. Một cái (phông) dùng để trang trí. Một cái (bạt) dùng để căng làm mái che hoặc làm lều che mưa nắng. Vải bạt, tấm bạt, áo bạt… đều rất thông dụng trên thị trường. Phông và bạt đều được dùng để bài trí, trang phục, làm lều tạm, che xe cộ…
Phông bạt là một từ chưa có trong từ điển tiếng Việt (chỉ có từ phông nền = phông và nền). Phông bạt chỉ xuất hiện sau khi có phong trào quyên góp cứu trợ cho đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa xảy ra ở miền Bắc nước ta, hồi 7/9/2024. Đã có rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phong trào thiện nguyện "tương thân tương ái" cảm động này. Nhưng người ta cũng phát hiện ra một số trường hợp đưa ra số tiền ủng hộ không đúng với thực tế. Khi các tổ chức chịu trách nhiệm quyên góp công khai số tiền này qua các bảng sao kê chi tiết, người ta mới thấy một số người khai báo số tiền "ảo", cao hơn rất nhiều mức họ đóng góp. Đó là hành vi coi thường dư luận, lừa dối cộng đồng để quảng bá, PR bản thân, lòe người khác.
Thế là từ "phông bạt" xuất hiện và nhanh chóng lan tỏa khắp nơi. Nó không phải là từ lóng (slang) như nhiều người lầm tưởng. Đây là hiện tượng chuyển nghĩa từ vựng thường thấy ở mọi ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.
Việc mượn một từ đã định hình về ngữ nghĩa để diễn tả một nội dung ngữ nghĩa mới là chuyện bình thường. Chẳng hạn, từ "điếu đóm" (điếu và đóm, đồ dùng, vật dụng dùng để hút thuốc), được dùng với nghĩa chuyển, chỉ "ai đó chuyên làm những việc lặt vặt, phục vụ cho người khác". Hoặc từ "xôi thịt" (xôi và thịt, 2 món ăn ngon, hấp dẫn) được dùng chỉ người nào đó "tham lam, thực dụng, chỉ thích ăn uống, hưởng thụ". (VD: Tay này đầu óc xôi thịt lắm, không tử tế gì đâu)…
"Phông bạt" là một từ ngẫu hợp và được dùng hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng vừa rồi được mọi người hưởng ứng, chấp nhận do lạ tai, ngồ ngộ, đặc biệt là tạo nên sự liên tưởng gần với bản chất của hành vi "ai đó cố tình trưng ra cái gì đó để: 1. khuếch trương vẻ hào nhoáng bề ngoài; 2. tạo thanh thế ảo, nhằm ganh đua, cạnh tranh với người khác". Thực chất là một kiểu "làm hàng", không chân thực.
Chuyển nghĩa là một cách thức tạo từ mới (từ những từ đã có). Trường hợp "phông bạt" đã được coi là từ mới hay chưa cần phải có thời gian.
Với nhà từ điển, việc một khái niệm ra đời mà chưa được đa số cộng đồng chấp nhận, chưa được thử thách qua thời gian thì phải hết sức thận trọng. Tuy nhiên, qua ngữ liệu tham khảo tại Trung tâm Từ điển học, có thể đề xuất một định nghĩa cho từ phông bạt (nếu được bổ sung trong tương lai), như sau:1) d. dụng cụ dùng để trang trí hoặc để che chắn, bao bọc (nghĩa khái quát). (VD: Chuẩn bị phông bạt sao cho tốt; Chi phí phông bạt khá tốn kém.); 2) t. có tính chất phô bày thông qua hình thức, biểu hiện bề ngoài, nhằm mục đích khoe khoang, phô trương, quảng bá bản thân mình (nghĩa chuyển). (VD: Lối sống phông bạt của giới trẻ; Cô nàng chỉ giỏi đánh bóng kiểu phông bạt).
"Phông bạt" tưởng cái để che
Ai dè thành mốt để khoe riêng mình.