Chủ tịch VFF: Doanh nghiệp, chính khách hay nhà chuyên môn?
(Thethaovanhoa.vn) - Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc đi tìm "minh chủ" cho bóng đá Việt Nam ở nhiệm kỳ mới (khoá VIII), trong đó những phát biểu với báo giới của nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT, Hà Quang Dự, mang nhiều giá trị tham khảo.
- Ứng viên cho chức Chủ tịch VFF: Chưa ai 'xung phong'
- Bàn về ghế Chủ tịch VFF
- Bí ẩn danh tính ứng viên Chủ tịch VFF khóa VIII
Theo ông Dự, dù là người Nhà nước (tức công chức đương nhiệm hoặc về hưu) hay tư nhân, thì tiêu chí hướng tới phải là đam mê, nhiệt huyết, có uy tín, hiểu biết bóng đá và đương nhiên, phải có năng lực quản lý, điều hành. Nguyên Bộ trưởng khẳng định, VFF khoá VII là bộ máy yếu nhất từ trước đến nay xét về mặt quản lý, điều hành.
Cũng trong bài phỏng vấn này, nhân tiện, ông Hà Quang Dự cũng tiến cử mấy cái tên như Cấn Văn Nghĩa và Lê Quý Phượng vào cuộc đua Chủ tịch VFF.
Ông Cấn Văn Nghĩa và Lê Quý Phượng đều đang là "cán bộ Nhà nước". Theo ông Dự, họ có đầy đủ sự hiểu biết và năng lực quản lý, bản lĩnh chính trị. Trước đó, ông Hà Quang Dự là người rất ủng hộ các vị như Lê Hùng Dũng, cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực..., tuy nhiên đều không mấy thành công ở nhiệm kỳ của mình. Rõ ràng, điều hành nền bóng đá không phải là chuyện đơn giản, chuyện chỉ "công thức" lựa chọn là có thể thành công.
Sau rất nhiều những giải pháp chọn người ngồi ghế “minh chủ” nền bóng đá, câu hỏi đặt ra, cố tìm một minh chủ vừa “hồng” vừa “chuyên” có là quá cầu toàn. Theo góc nhìn của người viết, Chủ tịch VFF, dù là doanh nhân, nhà chuyên môn bóng đá hay chính khách, tự bản thân không thể quyết được sự thành bại của nền bóng đá, khi bản chất bộ máy VFF hoạt động chưa thay đổi tích cực, bên cạnh ông Chủ tịch còn thiếu đội ngũ cố vấn - giúp việc giỏi. Vẫn có câu: "Thần thiêng nhờ bộ hạ" đấy thôi.
Ở các nhiệm kỳ trước, bóng đá Việt Nam vẫn còn không ít gương mặt “sừng sỏ”, nhiều nhà chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm. Còn giờ đây, hãy điểm lại bộ máy Liên đoàn, quá nhiều ủy viên và cán bộ tại không ít phòng, ban chức năng xuất thân không phải từ bóng đá, hoặc thiếu am tường về đời sống bóng đá nước nhà.
Trong toàn bộ câu chuyện ở thượng tầng bóng đá Việt Nam, các vấn đề về thiên quyền và lợi ích nhóm cũng được ông Dự đề cập tới. Ông này khẳng định, chừng nào chưa thể xoá bỏ được nạn này, bóng đá Việt Nam không có cơ hội phát triển. Như vậy, việc ông Chủ tịch Liên đoàn là người thế nào, không quan trọng, mà quan trọng là năng lực tập trung nguồn lực và phải có chất lượng. Ngoài ra, yếu tố nền tảng - tức cơ thể nền bóng đá, mang tính quyết định thành bại cho cả chiến lược, chứ không phải nhiệm kỳ.
Bóng đá cũng như nhiều địa hạt khác của xã hội, phải gieo, phải chăm sóc rồi mới hy vọng gặt trái sai, quả ngọt. Tự VFF trong quá khứ và cả hiện tại, có thể nói là công gieo trồng còn hạn chế. Bóng đá Việt Nam đang phát triển khá tự phát, nhưng không đồng nghĩa với việc nó đã được xã hội hoá. Thành tích ở đầu ra trong một giai đoạn nào đó, cũng giống như nông dân được vụ, thiếu liên tục.
Cũng cần phải nhắc lại, ở các nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ (một trong số ít Chủ tịch VFF thành công về mặt thành tích) dù dân bóng rổ nhưng tập hợp được những người giúp việc giỏi, đấy là yếu tố ban đầu. Nhưng trước và song song với đó, V-League đã thành hình và bắt đầu phát triển, khác hoàn toàn so với thời bóng đá bao cấp; bóng đá Việt Nam nở rộ nhiều thế hệ cầu thủ tài năng nối tiếp nhau.
Đến thời ông Lê Hùng Dũng, tiếc rằng ông đã nghỉ làm Chủ tịch Eximbank, sức khỏe không tốt, khiến cho Thường trực VFF ảnh hưởng rất lớn đến tính hiệu quả.
Hy vọng hôm nay, những người làm bóng đá thực sự có ngày làm việc thật thẳng thắn, chân tình và “ra ngô, ra khoai”, chứ không nên làm cho có.
Tùy Phong