Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam Trần Hữu Nghĩa: 'Khán giả phản ánh bộ mặt giải đấu'
(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù V-League đang bước vào giai đoạn cuối với sự kịch tính từ cuộc đua đến ngôi vô địch. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, số lượng khán giả đến sân lại không nhiều. Theo ông Trần Hữu Nghĩa, khán giả có lý do của riêng họ và chuyện khán giả không đến sân đông phản ánh chân thật nhất mức độ hấp dẫn của giải đấu.
- Hội CĐV Than Quảng Ninh xuất sắc nhất tháng 7
- Kết thúc Giải BĐ Hội CĐV MU Việt Nam Kansai Paint Cup 2016
- Giải bóng đá Hội CĐV MU Việt Nam Kansai Paint Cup 2016 : Ngày hội CĐV Man United tại TP.HCM
Đó là nghịch lý nếu nhìn vào sự hấp dẫn, kịch tính từ cuộc đua vô địch mang lại. Dưới góc độ của một khán giả có thâm niên theo dõi bóng đá Việt Nam và trên cương vị Chủ tịch Hội CĐV bóng đá VN, ông Trần Hữu Nghĩa không mấy bất ngờ về nghịch lý trên.
“Giải đấu năm nay không thật sự hấp dẫn. Bởi lẽ, nếu hấp dẫn thì đã hấp dẫn từ ngày khai mạc rồi. Đằng này, có nhiều vấn đề nổi cộm liên tiếp xảy ra trong thời gian qua. Lẽ tất yếu, khán giả không đến sân là điều đương nhiên. Chính số lượng khán giả là thước đo chính xác nhất để phản ánh sự hấp dẫn của một giải đấu. Cứ thử nghĩ xem, một đội bóng vô địch mà trên khán đài trống huơ trống hoắc thì còn gì gọi là vô địch nữa. Chức vô địch không chỉ trên danh nghĩa của vương miện mà nó còn phải vô địch trong tim người hâm mộ”, ông Nghĩa nói.
Theo vị Chủ tịch Hội CĐV này, bóng đá Việt Nam cũng đang tồn tại nghịch lý khác là những giải đấu mang danh chuyên nghiệp lại không thu hút bằng các giải phủi. Chẳng hạn, không chỉ V-League mà ở hạng Nhất với giải VĐQG nữ, số lượng khán giả đến sân rất ít ỏi.
“Chúng ta phải đặt câu hỏi là tại sao bóng đá phủi lại ngày càng thu hút đông khán giả trong khi V-league, hạng Nhất với giải VĐQG lại thưa vắng? Xin thưa! Đó là vì giải phủi bố trí thời gian hợp lý, có người quen đá trên sân và người ta thích đội bóng đó, xem đội bóng đó đại diện cho mình và thích không khí ồn ào. Còn các giải chuyên nghiệp không có như vậy”, ông Nghĩa bày tỏ.Theo ông Nghĩa, sự ra đời của mô hình VPF là rất thiệt thực trong xu thế bóng đá thế giới hiện tại. Tuy nhiên, điều quan trọng là con người và cách thực hiện như thế nào mà thôi. “VPF có những khó khăn của họ và cũng cần có cái nhìn cảm thông. Họ cũng đã có những nỗ lực nhất định tuy nhiên trong thẩm quyền cho phép, VPF không thể biến giải đấu chất lượng trong một sớm một chiều được. Quan trọng là sự thay đổi của cả cộng đồng chứ không riêng gì một cá nhân hay tổ chức nào. Trong đó, VFF, VPF cần có những thay đổi để phù hợp với bóng đá chuyên nghiệp. Bóng đá Việt Nam cần tỉnh lại nếu không quá muộn.
Hãy nhìn vào khán giả để nhìn lại chính mình. Hành động nhưng sao cho thiết thực và hãy trao cho khán giả niềm hân hoan, thích thú để mỗi khi đến sân là họ thỏa mình vào niềm vui cùng trái bóng, xả đi stress mệt nhọc sau một ngày làm việc.
Nếu không có những động thái cứng rắn, thay đổi quyết liệt thì tôi nghĩ nên dừng giải đấu 2 năm để chấn chỉnh lại. Chứ nếu không, với tình trạng như hiện tại mà cứ tiếp diễn, tôi nghĩ tình cảnh các khán đài đìu hiu lại sẽ xảy đến trong thời gian tới”, ông Nghĩa nhắn gửi.
Nam Giao
Thể thao & Văn hóa