Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Xử việc chiếm vỉa hè, không kiên trì dẫn đến thất bại
(Thethaovanhoa.vn) - "Từ 10/3, tất cả các quận, huyện, thị xã toàn thành phố đồng loạt ra quân đảm bảo trật tự giao thông, đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hà Nội không ra quân rầm rộ, làm bền vững để người dân không tái lấn chiếm, để họ thấy có ý thức với Thủ đô".
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào sáng 4/3, tại Hội nghị triển khai công tác tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn.Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, câu chuyện giải quyết lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã bàn nhiều, ra quân nhiều lần nhưng đều chưa có tính kiên trì dẫn đến thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo các cấp, ngành. Đến nay, công tác này phải được thực hiện cương quyết, kiên trì, bài bản, không ồn ào, sao cho đạt kết quả bền vững, để người dân đồng thuận và có ý thức giữ gìn trật tự đô thị.
Đường Văn Tiến Dũng (phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm) xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Thảo Trần - Kinh tế & đô thị
Để làm được việc đó, các cấp, ngành trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Chính quyền, Công an cơ sở phải thành lập các tổ tuyên truyền, đến từng hộ gia đình có nhà mặt đường để thuyết phục chấp hành pháp luật, không có các hành vi gây mất mỹ quan đô thị, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Bước tiếp theo là phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, nếu cá nhân, tổ chức vẫn cố tình vi phạm thì cưỡng chế, xử lý.
"Nếu không kiên quyết thiết lập lại thì Hà Nội không thể xây dựng và củng cố văn hóa của một thành phố văn minh", Người đứng đầu thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, có một số loại hình kinh doanh đã và đang có vi phạm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, mất mỹ quan, cần phải xử lý như hàng ăn, hàng bán hoa, hoa quả, kinh doanh điện máy, quán cóc, hàng thời trang, trông giữ xe trái phép, xe đẩy, hàng rong, đối tượng đeo bám chèo kéo khách du lịch, xe quá tải, quá khổ, xe giả danh thương binh. Cùng với việc xử lý các vi phạm, cần đề cao tính trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền. Trong đó, Trưởng Công an các quận, huyện, xã, phường phải chịu trách nhiệm trước thành phố về việc giữ gìn trật tự an toàn gia thông, trật tự đô thị trật tự công cộng theo tinh thần “Năm kỷ cương hành chính”.
Lực lượng quản lý thị trường cần vào cuộc, tham gia xử lý dưới hình thức thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các cá nhân, tổ chức có vi phạm nhiều lần về trật tự đô thị. Cơ quan Công an phải phân công trách nhiệm đến từng cán bộ Cảnh sát Trật tự theo từng tuyến phố, số nhà. Thành phố sẽ lập các tổ kiểm tra liên ngành và sẽ xử lý nghiêm khắc lãnh đạo các đơn vị, địa bàn để xảy ra tình trạng mất trật tự an toàn gia thông, trật tự đô thị trật tự công cộng kéo dài.
Sở Giao thông – Vận tải phải cùng Công an thành phố kiểm tra, xử lý xe dù, bến cóc, tập trung vào địa bàn quanh các bến xe lớn của thành phố. Sắp tới, thành phố cần thí điểm việc trông giữ ô tô trên 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, áp dụng công nghệ thu phí tự động theo giờ, tiến tới chấm dứt hiện tượng các đơn vị trông giữ xe thu phí không đúng qui định. Sở Giao thông – Vân tải phải thu hồi các giấy phép dừng đỗ, khảo sát lại các điểm có thể trông giữ phương tiện giao thông và công khai việc cấp phép.
Sở Xây dựng phải chủ trì kiểm tra tại các công trình đang thi công về việc xe chở đất phải được lau rửa sạch, công khai chỗ đổ phế thải xây dựng. Giám đốc Công an thành phố phải giao cho lực lượng Cảnh sát Hình sự, Môi trường xử lý hành vi dán quảng cáo trái phép gây mất mỹ quan. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải thống kê số lượng thương binh sử dụng xe ba bánh để lãnh đạo thành phố có hoạt động đối thoại, cùng tìm giải pháp thay đổi phương thức giao thông này.Sở Giao thông – Vận tải, Công an thành phố, Sở Du lịch cùng phối hợp thống kê số lượng xích lô, tiến tới hạn chế số lượng ở mức 50 xe trên toàn thành phố. Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã cần khảo sát, vận động các hộ gia đình có diện tích phù hợp với việc trông giữ xe máy để khuyến khích mở dịch vụ, góp phần tạo nơi để xe, tránh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
"Việc này trước mắt cần tập trung triển khai ngay tại 4 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng…", Chủ tịch UBND Hà Nội chỉ đạo.
TTXVN/Hạnh Quỳnh