Chủ công Đoàn Thị Xuân: Căn bệnh quái ác và giấc mơ dang dở
(Thethaovanhoa.vn) - Khi sự nghiệp đỉnh cao bắt đầu có được thành công nhất định, chủ công trẻ Đoàn Thị Xuân của đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia phải nói lời giã từ sàn đấu, từ bỏ đam mê do những biến chứng của căn bệnh di truyền quái ác mang tên Marfan.
- Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam 'trả nợ' Indonesia, quyết giành hạng 5 ASIAD 2018
- Lịch thi đấu và TRỰC TIẾP bóng đá, bóng chuyền ASIAD ngày hôm nay, 30/8
- Nữ VĐV bóng chuyền Hàn Quốc có gương mặt ‘đẹp như thiên thần’ gây sốt ở ASIAD 18
Thành công ngắn ngủi
Đoàn Thị Xuân xuất thân từ đội trẻ Thanh Hóa, sau đó thi đấu cho Vietso-Petro song sự nghiệp của cô gái sinh năm 1997 chỉ thật sự thăng hoa khi cập bến CLB Ngân hàng Công thương.
Với chiều cao lý tưởng, 1m83, sức bật tốt, lối đánh tầm cao sắc bén, cùng những quả chắn bóng hiệu quả ở vị trí số 2, Xuân nhanh chóng khẳng định được tài năng và vị trí của mình trong màu áo đội bóng ngành ngân hàng chỉ sau một thời gian ngắn.
Hai mươi tuổi, Xuân có mặt trong đội hình thi đấu chính thức của tuyển quốc gia - một vị trí là niềm mơ ước của rất nhiều các tay đập trẻ cùng trang lứa và cũng là một “cú hích” giúp cô gái trẻ quê Thanh Hóa không ngừng thăng hoa trong sự nghiệp thi đấu.
Năm 2016 là cột mốc đáng nhớ của Xuân với chức vô địch quốc gia đầu tiên trong sự nghiệp. Nó càng đáng quý hơn, khi cô là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho Ngân hàng Công thương lên ngôi số 1 quốc gia sau nhiều năm chờ đợi. Sau đó Xuân và đội bóng của mình liên tiếp vô địch tất cả các giải trong năm từ 2016 đến 2017.
Vai trò, vị trí và tài năng của Xuân không chỉ được ghi nhận bằng sự thể hiện trên sàn đấu, bằng thành tích giành được cùng tập thể CLB hay đội tuyển nữ, mà danh hiệu VĐV tấn công xuất sắc nhất giải Đạm Cà Mau 2017 đã khẳng định, tay đập trẻ này đã dần vượt qua những cái bóng rất lớn của thế hệ đàn chị ở đấu trường trong nước. Một tương lai tươi sáng đang được mở ra.
Trong thời gian khi thi đấu hay lúc tập luyện những năm gần đây, trong hành lý không nhiều đồ đạc mang theo của Xuân luôn có một vật bất ly thân. Đó là cặp kính cận cùng hàng trăm loại kính áp tròng khác nhau,
Không giấu được nỗi buồn trên nét mặt, ngôi sao trẻ của Ngân hàng Công thương cho biết cô bị bệnh Marfan di truyền từ bố. Căn bệnh quái ác khiến thị lực của Xuân kém nhưng nguy hiểm hơn cả là dây chằng thủy tinh thể của cô yếu, có thể đứt và mù bất cứ lúc nào nếu vận động mạnh. “Bây giờ chỉ giảm sự phát triển của bệnh bằng cách uống thuốc bổ mắt. Bệnh phát triển tới đâu thì uống thuốc tới đó”, Xuân ngậm ngùi.
Cho đến thời điểm hiện tại, căn bệnh quái ác không có phương pháp điều trị dứt điểm giống như lời khai tử với niềm đam mê bóng chuyền của tay đập tài năng đang bước vào đỉnh cao của sự nghiệp.
Và nỗi lo chữa bệnh
Xuất thân từ gia đình làm nông, Xuân là em út trong gia đình có 3 anh em. Hai anh đều là lao động có thu nhập thấp chỉ đủ bươn trải cho cuộc sống cá nhân. Những khoản thu nhập từ đời sống VĐV của Xuân là nguồn thu nhập chính trong gia đình, khi bố Xuân đã mất khả năng lao động từ lâu cũng chính vì căn bệnh quái ác này.
“Ngày xưa bố em cao to lắm nhưng giờ chỉ bé như đứa trẻ con do cơ thể bố em đang teo dần vì căn bệnh Marfan. Em cũng sợ sau này mình cũng bị như thế”, Xuân nói trong nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh người bố đang ngày đêm vật lộn với căn bệnh Marfan.
Chia tay với thảm đấu để về chống chọi với bệnh tật trên sàn đấu cuộc đời, cô gái có sức bật nhảy vào hàng nhất nhì làng bóng chuyền Việt Nam giờ hằng ngày chỉ có thể sinh hoạt nhẹ nhàng bởi mọi vận động không kiểm soát của cô có thể khiến cô rơi vào cảnh mù lòa bất cứ lúc nào.
Số tiền tích góp được sau chừng ấy năm cống hiến cho bóng chuyền đỉnh cao không thấm vào đâu với một vài tháng chữa trị. Riêng tiền khám chữa bệnh đã lên tới cả trăm triệu đồng. Hàng tuần Xuân phải tái khám thường xuyên để có thể theo dõi sát sao không cho bệnh lý phát triển. Giờ đây, tất cả chỉ biết trông chờ vào số tiền hỗ trợ ít ỏi hàng tháng của đội để trang trải chi phí thuốc thang.
Mắt đượm buồn Xuân nói, “Có trường hợp một vận động viên bóng rổ ở Hàn Quốc cũng mắc phải căn bệnh này. Sau khi phẫu thuật và điều trị một thời gian, họ đã có thể sinh hoạt, hoạt động một cách khỏe mạnh bình thường. Bây giờ em chỉ mong có một phép màu để em có thể đến Hàn Quốc một lần. Nhưng mà chi phí cao quá.Tiền phẫu thuật là 500 triệu, chưa kể chi phí sinh hoạt tại Hàn Quốc 3 tới 4 tháng theo dõi và điều trị nếu thuận lợi. Chắc khó…”
Lời kết:
Ước mơ của Xuân bây giờ là có được cơ hội đến Hàn Quốc để chữa bệnh. Dù là hi vọng chữa khỏi là cực kỳ mong manh, song cô gái 21 tuổi cũng mong muốn một lần được thử vận may chỉ để khỏe mạnh trở lại, trở thành một người lao động bình thường nhằm chia sẻ những gánh nặng “cơm áo gạo tiền” với gia đình nhỏ đang đối diện với muôn vàn khó khăn. Biết là rất khó nhưng vẫn mong chờ một phép màu đến với Xuân, để một ngày nào đó, người hâm mộ lại được chứng kiến một Đoàn Thị Xuân tung hoành trên mặt lưới cùng các đồng đội ở đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia.
Hội chứng Marfan là gì? Hội chứng Marfan là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết – các sợi hỗ trợ, kết nối cơ quan và các cấu trúc khác trong cơ thể. Hội chứng Marfan thường ảnh hưởng nhất đến tim, mắt, mạch máu và xương. Dấu hiệu rõ ràng nhất của chứng rối loạn này bao gồm cao và cao lêu nghêu, khớp lỏng lẻo, bàn chân lớn và phẳng, các ngón tay dài và không cân đối. Các thiệt hại do hội chứng Marfan gây ra có thể nhẹ hoặc nặng. Nếu động mạch chủ – các mạch máu lớn mang máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể – bị ảnh hưởng thì tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng. Hiện tại bệnh Marfan chưa có cách điều trị dứt điểm. Phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc ngăn ngừa từng biến chứng khác nhau của bệnh. *** “Xuân là một vận động viên có tố chất, được kỳ vọng để thay thế vị trí của những đàn chị đi trước ở vị trí đối chuyền như Phạm Thị Yến (CLB Thông Tin Liên Việt Postbank), Đinh Thị Diệu Châu (VTV Bình Điền Long An). Đây là vị trí đòi hỏi một vận động viên phải có tố chất toàn diện khi vừa phòng thủ, chuyền một, vừa phải có khả năng chuyền bóng nhưng vẫn phải đảm bảo được khâu tấn công dứt điểm. Nếu em không theo được sự nghiệp đỉnh cao vì bệnh tật, thì đó là mất mát lớn cho không chỉ Xuân mà cả với bóng chuyền nữ Việt Nam”, theo đánh giá của Phạm Kim Huệ, tay đập kỳ cựu của ĐTQG bóng chuyền nữ và hiện là HLV của CLB Ngân hàng Công thương. |
Thanh Tuyền