Chọn gì, minh bạch hay quy trình?
(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá Việt Nam đáng ra có thể hấp dẫn và lan tỏa tích cực nếu như tiêu chí minh bạch được đặt lên hàng đầu từ trước kia.
- Hải Phòng ngược dòng khó tin trước Sài Gòn FC
- Hải Phòng hòa 'không tưởng' Sài Gòn FC
- Sài Gòn FC - SLNA: Dấu hỏi từ một trận đấu
Ở một góc độ nào đó, nó gợi nhớ lại trận đấu giữa CAHN với CA TPHCM năm 1998 có tỉ số 2-2 trên sân Hàng Đẫy mà một trong số các cầu thủ từng có mặt trong đội hình CAHN ngày ấy nay là trợ lý ở Sài Gòn – trợ lý Đức Thịnh. Phát thanh viên của Bản tin Thể thao trên VTV lúc giờ cơm tối đã đặt tên cho trận đấu này là “xứng đáng đem đi quảng cáo cho BĐVN”.
Vậy nhưng, thay vì thanh thản thưởng thức thì một bộ phận dư luận và truyền thông phải nghi ngờ là liệu đó có phải là một trận đấu có mùi hay không?
Hải Phòng (áo vàng) có màn lội ngược dòng không tưởng để hòa Sài Gòn FC 3-3 trên sân Thống Nhất tại vòng 16.Ảnh: Phạm Tuân
Thế là cuộc đối đầu giữa hai HLV trẻ từng là đồng đội khi còn khoác áo Thể Công, Việt Hoàng và Đức Thắng lại bị xem trên góc độ là thứ bóng đá tình nghĩa, liên minh. Thay vì đón nhận sự ca tụng thì họ phải giải thích.
2.Trên báo Tuổi trẻ gần đây có một bài báo thu hút sự chú ý với cái tít là “Đồng chí này con đồng chí nào”, đại ý là người ta phải đặt ra câu hỏi ấy khi thấy một cán bộ trẻ ở một đơn vị, cơ quan nào đó.
Lẽ thường, người ta nên mừng khi nhìn thấy những cán bộ trẻ xuất hiện trong bộ máy quản lý, điều hành vì trẻ đồng nghĩa với nhiệt huyết, giàu kỹ năng, được đào tạo bài bản. Chẳng hạn, một cán bộ trẻ đi đàm phán với nước ngoài có ngoại ngữ và chuyên môn tốt dĩ nhiên phải hơn hẳn một cán bộ lớn tuổi, hoặc chỉ còn nhớ mang mang chút tiếng Nga còn tiếng Anh lại chỉ cơ bản. Trước là cảm nhận được trực tiếp đối tác, sau là tiết kiệm được cả ngân sách.
Minh bạch trong đề bạt và bổ nhiệm cán bộ chắc chắn sẽ không bao giờ phải hỏi những câu hỏi cửa miệng như tường thuật ở trên.
3.Vấn đề của BĐVN (một lăng kính phản chiếu phần nào đó góc cạnh cuộc sống) chính là những mặt trái của nó đã tồn tại hàng thập kỷ, qua nhiều giai đoạn. Nó làm người ta phải nghi ngờ mọi thứ không như suy đoán, thậm chí là cả những điều làm cho bóng đá bất tử - yếu tố bất ngờ.
Nó cũng bỗng trở thành một thứ tiêu chí phân chia đẳng cấp của những người quan tâm tới BĐVN, rằng ai ngửi giỏi thì tức là người đó xem bóng đá sành điệu hơn.
Các nhà tổ chức giải đang cố gắng tổ chức một giải đấu trong sạch và hấp dẫn, vì họ hiểu rằng nếu như không đạt được điều đó thì V-League mãi chỉ là một thứ sản phẩm tầm thường trong khi vấn đề của xã hội hôm nay là chọn gì để thưởng thức.
V-League vòng đấu vừa rồi chỉ có 27 ngàn khán giả tới sân xem qua bảy trận đấu. Tức là chỉ nhiều hơn vài ngàn so với duy nhất một trận đấu giữa CAHN và CA TPHCM có khoảng 2 vạn người năm 1998.
BĐVN trong công tác điều hành nhiều khi hay lấy các quy định của FIFA, AFC ra làm cái cớ và cũng có cả những lần nó là rào cản thực sự. Trong đó có vấn đề về công tác trọng tài. Phải kín để bảo vệ các trọng tài.
Thế nhưng, nếu minh bạch được một phần nào đó công tác trọng tài mà làm cho BĐVN trở nên rõ ràng hơn thì xem ra các quy định cũng có thể bị ném vào sọt rác.
Công bố băng ghi hình của BTC để dư luận chia sẻ sau các phân xử là một trong những việc như thế. Như cái vụ trọng tài biên nhấc cờ báo việt vị hay không ở sân Pleiku khi HAGL thắng Hải Phòng 1-0 thì sau khi công bố băng ghi hình đã “minh bạch” được mấy điều: Giám sát trận đấu không quan sát được pha bóng đó, và khi Trưởng Ban trọng tài nói rằng trợ lý có nhấc cờ tức là ông đã nhận định trước khi xem băng hình!
Minh bạch chả bao giờ là dở khi mà “làm đúng cái quy trình” là một phạm trù đôi khi mơ hồ!
Kỳ Anh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần