Chọi trâu Phúc Thọ: Đáp ứng nhu cầu giải trí của nông dân Hà Nội
Hôm nay, 22/2, báo Nông thôn ngày nay (NTNN) chính thức mở màn hội chọi trâu lần đầu tiên diễn ra tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Phóng viên Báo Thể thao &Văn hóa đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo NTNN để cùng hiểu rõ về hội chọi trâu này.
* Thưa ông, nhiều người cho rằng chúng ta đã có quá nhiều lễ hội, việc thêm hội là không cần thiết!
- Tôi xin khẳng định, đây là hội chứ không phải lễ hội. Lễ hội là phải có phần lễ với các nghi thức truyền thống. Hội chọi trâu do Báo NTNN tổ chức đã có sự tư vấn và xin giấy phép từ Sở VH,TT&DL. Chúng tôi đã làm đúng quy trình gồm gửi kế hoạch, nhận tư vấn từ các cơ quan chức năng. Sau khi tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, cuối cùng Báo NTNN đã được cấp phép tổ chức hội này.
Thực tế, huyện Phúc Thọ cũng có mong muốn có một sân chơi cho người dân của huyện. Trong khi đó, phía Báo NTNN cũng có nhiều phóng viên yêu thích hội chọi trâu, nên đã tìm hiểu rất kỹ. Đây là hội có sức hút rất lớn, đặc biệt với những người nông dân.
* Một vấn đề khác mà nhiều người đặt ra, đây là hội không phải truyền thống. Vậy có cần thiết phải mở thêm ra hay không?
- Hà Nội là Thủ đô nhưng có tới hơn 400 xã nông thôn, nông dân Hà Nội tính về số lượng thì đông nhất Việt Nam, tới 4 triệu người. Chúng tôi là tờ báo phục vụ người nông dân nên chúng tôi làm rất nhiều chương trình cho họ như kết nối các nhà khoa học với nông dân, các hội thi nông dân giỏi, các giải đá bóng…
Với người nông dân, ra Giêng ngày rộng tháng dài, họ cần sân chơi giải trí. Và chúng tôi tổ chức sân chơi này để họ có thể vui vẻ hơn là cờ bạc, rượu chè.
Còn vì sao lại là chọi trâu? Lý do rất đơn giản bởi trước đây, khi chưa có sới, người dân Phúc Thọ cũng đem trâu đi chọi khắp nơi. Từ mong muốn có một sân chơi riêng, với sự đồng ý của chính quyền, chúng tôi cho rằng tổ chức một sân chơi thế này là phù hợp.
* Số phận của các ông trâu sau hội thường sẽ bị giết thịt. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Ở một hội chọi trâu việc giết trâu đúng là đang gặp nhiều ý kiến từ nhiều người. Nếu theo đúng truyền thống thì chỉ trâu vô địch mới bị “hóa kiếp” để hiến tế với sự cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Điều này đã được ghi nhận từ 1.200 năm trước. Với sự biến thiên của lịch sử, hiện nay trâu thắng trâu thua đều bị giết thịt.
Báo NTNN chỉ là nhà tổ chức, không thể tác động được tới hành vi của các chủ trâu, đặc biệt là việc giết thịt. Đó không chỉ là tài sản của họ mà đó là ông trâu, tức là trâu đã được làm lễ. Vì vậy, chủ trâu cho rằng, phải hóa kiếp và hiến tế trâu về trời.
* Tại các hội chọi, thịt trâu chọi sẽ được đem bán với giá rất cao, thậm chí là phi lý. BTC sẽ làm gì với vấn đề này?
- Đối với trâu chọi, giá đầu tư ban đầu đã khoảng 100 triệu đồng. Tính tiền công chăm sóc, ăn uống… tất nhiên chi phí nuôi trâu chọi sẽ khá cao. Đó là lý do sau khi chọi xong, nhiều người sẽ phải thịt bán để bù đắp lại chi phí. Giá thịt trâu chọi thường tăng gấp đôi, gấp ba so với giá thị trường. Với trâu vô địch thì có lúc lên đến hơn 1 triệu đồng cho mỗi kg.
Với hội chọi do Báo NTNN tổ chức, chúng tôi cũng rất băn khoăn vấn đề này. Biện pháp khả thi nhất là bố trí khu vực bán gọn gàng, nghiêm cấm bán quá mức giá được đề ra.
* Từ các hội chọi trâu trước đã có nhiều vụ va chạm, cá độ, phe vé… BTC có lường trước điều này?
- Phía chính quyền địa phương trước khi tổ chức đã đi 2 hội chọi trâu để nghiên cứu chuẩn bị các phương án cho hội. Sau đó, huyện đã bàn bạc và cho biết sẽ huy động các lực lượng liên quan đến để đảm bảo an ninh trật tự. Từ việc trông giữ xe, hướng dẫn giao thông, phân phối vé, tổ chức các gian hàng bán thịt trâu… đều đã được tính toán kỹ…
Phía báo cũng đã rút kinh nghiệm từ các hội chọi trước, cố vấn cho chính quyền địa phương. Trực tiếp các phóng viên, cán bộ báo cũng tham gia vào công tác tổ chức để hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Cao Mạnh Tuấn (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa