Chơi điện tử cũng là thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Khái niệm chơi điện tử cùng khái niệm thể thao chưa bao giờ được đa số công nhận rằng đây là một sự kết hợp tuyệt vời. Đơn giản, trong quan niệm chung của xã hội, chơi điện tử, chơi games... là cái gì đó mất thời gian, giảm sút sức khỏe, tốn tiền, ảnh hưởng tới cuộc sống trầm trọng. Thậm chí là tệ nạn.
- Thể thao điện tử (e-Sports) Việt Nam đi vào chuyên nghiệp
- Giải thể thao điện tử quốc tế (e-Sports Việt Nam) 2014: Việt Nam thống trị ngai vàng FIFA Online 3
- Giải thể thao điện tử quốc tế (e-Sports Việt Nam) 2014: Cuồng nhiệt với game thủ
Thể thao chơi games, tại sao không?
Mọi so sánh đều là khập khiễng, điều đó đúng. Nhưng nếu cả xã hội cho rằng cờ vua là môn thể thao cho trí não tuyệt vời từ thời cổ đại thì sao chơi games lại không thể là môn thể thao trí tuệ của hiện đại được?
Trong những năm gần đây, Thể thao điện tử (eSports) đã dần chiếm được một vị trí cao trong lĩnh vực thể thao – giải trí. Người ta không khó để tìm thấy thông tin về những giải đấu triệu đô, những vận động viên eSports có thu nhập cực cao của hàng chục bộ môn thi đấu khác nhau. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc mọi người đã hoàn toàn hiểu và đánh giá đúng về bản chất của Thể thao điện tử.
Đội tuyển Việt Nam vô địch Đông Nam Á
Ở Việt Nam, khái niệm Thể thao điện tử chỉ quen thuộc đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này. Nhiều người còn xa lạ với cái gọi là “eSports” và đôi khi đánh đồng nó với các trò chơi trực tuyến (game online) thông thường.
Có chơi mới biết, eSports và game online có nhiều điểm hoàn toàn khác biệt. Thậm chí, giới chuyên môn đã có hẳn định nghĩa riêng cho game online và eSports như sau:
- Game online (Trò chơi trực tuyến) là trò chơi qua mạng Internet có sự tham gia của hàng trăm hoặc hàng ngàn người chơi cùng thời điểm.
- eSports (Thể thao điện tử) là những trò chơi mang tính đối kháng, có thể sử dụng để thi đấu để phân định thứ hạng.
Có thể thấy rằng, về bản chất, eSports và Game Online có sự khác biệt: Game Online bắt buộc phải chơi qua mạng Internet, còn eSports thì không nhất thiết phải sử dụng mạng Internet. Nhờ tính đối kháng đặc trưng của mình, eSports đã vượt qua ranh giới của những trò chơi giải trí bình thường để vươn đến gần hơn vị thế của một bộ môn thể thao chính thống như bóng đá, quần vợt… Các trận thi đấu eSport thực sự là một “chiến trường” với hàng triệu người theo dõi, cá cược và cổ vũ.
Đừng làm một games thủ tầm thường
Chơi games quên đất trời, quên học, quên ngủ, quên ăn, là hoàn toàn bất thường. Đó không còn là môn thể thao trí tuệ nữa. Chỉ là một thói quen, một cách sống lệch lạc. Bên cạnh đó, các nhà phát hành game online có nhiều cách để đánh vào túi tiền của game thủ, chẳng hạn như tạo ra những món đồ có sức mạnh vượt bậc để “dụ” người chơi dốc túi ra mua, hay “cày” vàng, cày “vũ khí”… Còn nhớ games Võ Lâm Truyền Kỳ thăng hoa ở thị trường Việt Nam những năm 2008 – 2010, một đại gia đã bỏ ra 1,8 tỉ đồng để sở hữu trang bị “khủng” giúp mạnh hơn tất cả mọi người chơi khác.
Nhưng với một người chơi eSports thì hoàn toàn không. Họ cũng là games thủ nhưng đã xác định được đúng con đường của mình, chơi một loại hình thể thao trí tuệ với sức mạnh cá nhân và tinh thần đồng đội.
Anh Khánh Linh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Ở các bộ môn eSports, đồng tiền không thể giúp một game thủ trở nên giỏi hơn. Những game thủ có nhiều tiền có thể mua những lớp vỏ đẹp hơn cho nhân vật của mình khi chơi những bộ môn eSports hàng đầu thế giới hiện nay như Liên Minh Huyền Thoại hay Heroes of Newerth. Nhưng trong những cuộc đối đầu, trình độ mới là yếu tố quyết định chiến thắng. Đó cũng là lí do vì sao eSports rất được yêu thích trên toàn thế giới, bởi các vận động viên buộc phải chiến thắng bằng thực lực, tài năng và công sức khổ luyện của mình.”
Người chơi eSport là một người khỏe mạnh cả về trí tuệ lẫn thể lực, bên cạnh đó, tinh thần đồng đội của một games thủ eSport là rất cao. Một đội eSports sẽ không thể chiến thắng nếu thiếu đi một trong số các thành viên của mình. Người tham gia eSports luôn phải có ý thức tự vươn lên, hoàn thiện cho mình những kĩ năng cá nhân, đồng thời phối hợp những kĩ năng đó với đồng đội sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Anh Anh Sơn, một trọng tài eSport TP.HCM cho biết: “Trong Thể thao điện tử, những thói xấu như gian lận được xem tương tự như dùng doping trong thể thao, người mắc phải sẽ bị lên án cực kì gay gắt, bị cộng đồng loại bỏ và các nhà tổ chức giải sẽ tẩy chay. Vì thế lĩnh vực này luôn được đánh giá rất cao nhờ tinh thần thể thao chân chính và cao thượng. Trọng tài chúng tôi luôn được tập huấn để cấp nhật những kiến thức mới nhất để chống gian lận trong eSport”.
Các bộ môn Esports cũng có hệ thống chống gian lận cực mạnh. Tiêu biểu là Liên Minh Huyền Thoại với hệ thống xử phạt nghiêm khắc: Cấm game thủ chơi nếu như thoát giữa chừng, phá game của người khác…
Hệ thống hóa một môn thể thao mới Như các bộ môn thể thao truyền thống, eSports đã bắt đầu có nghề vận động viên, huấn luyện viên chuyên nghiệp, chuyên viên tổ chức giải đấu, những người làm truyền thông, truyền hình trực tiếp, bình luận viên… eSports là một nền công nghiệp thể thao – giải trí với muôn vàn nghề nghiệp phong phú. Tại Việt Nam, những ngành nghề làm eSports đã và đang phát triển khá mạnh mẽ với những công ty như Garena, VTC Game… Các vận động viên eSports ở Việt Nam ở các bộ môn như FIFA, Đột Kích, Liên Minh Huyền Thoại… có thu nhập và được tạo nhiều điều kiện đi thi đấu nước ngoài. Trong số đó, tiêu biểu có đội Saigon Jokers của LMHT dù không tiến sâu vào chung kết nhưng cũng giành được tới 1 tỉ đồng tiền thưởng tại giải vô địch thế giới ở Mỹ vừa qua. Vừa qua, Vietnam Esports đã tổ chức “Khóa đào tạo trọng tài Esports cấp độ B” tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh” rất bổ ích. Mục tiêu là đào tạo kỹ năng trọng tài cơ bản cho các game thủ và quy trình tổ chức giải đấu thể thao điện tử tại các phòng máy Năm nay lần đầu tiên eSports được tôn vinh bên cạnh các môn thể thao truyền thống, đánh dấu một bước tiến dài của nền thể thao điện tử nước nhà khi dần được xã hội công nhận như một môn thể thao chuyên nghiệp tại sự kiện Vinh Danh Tài Năng Thể Thao TP.HCM 2015. Hiện nay, một số trường Cao Đẳng và Đại Học ở Mỹ đã cho phép thành lập câu lạc bộ Thể thao điện tử. Khoa thể thao của trường ĐH Robert Morris tại Illinois còn tặng học bổng cho đội tuyển này. Thậm chí một số trường trung học phổ thông ở Thụy Điển cũng đưa TTĐT vào việc giảng dạy của mình. Học sinh sẽ được học giáo trình về TTĐT được soạn bởi trường đó và chơi những tựa game nổi tiếng như Dota 2, CS:GO (Counter-Strike: Global Offensive) theo thời khóa biểu cố định. Còn ở Pháp, người ta đã công nhận đây là một loại hình thể thao chính thống. Một tín hiệu đáng mừng cho Esports Việt Nam, Thể thao điện tử được Chính phủ đánh giá cao về tính giáo dục và được đưa vào tiến trình phát triển TDTT đến năm 2020. |
Như Hoa
Thể thao & Văn hóa cuối tuần