Chờ tiềm năng của U23 Việt Nam được đánh thức
Đây là thời điểm thầy trò HLV Park Hang Seo cần phải tìm ra các điểm yếu cốt lõi và khắc phục ngay, trước khi quá muộn. Tuy thế, cũng không nên quá bi quan với khả năng vô địch của U23 Việt Nam.
Chiến thuật chuẩn bị hay tâm lý chiến?
"Biết mình biết người, trăm trận không thua". Đấy là binh pháp dạy thế. Còn trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, "chiến thuật chuẩn bị" là yếu tố tiên quyết, quyết định phần lớn thành công, chứ không phải đợi đến khi lâm trận rồi mới "tùy cơ ứng biến". Vậy, nên hiểu thế nào là chiến thuật chuẩn bị? Và chiến thuật chuẩn bị có liên quan gì đến "tâm lý chiến" hay không?! Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích dưới đây.
Chiến thuật chuẩn bị cho mục tiêu hay giải đấu cụ thể, là cả một quá trình, bao gồm bắt đầu từ yếu tố con người, giáo án, tích lũy, duy trì, chọn điểm rơi và cả việc phân tích đối thủ, để từ đó đưa ra các giải pháp tiếp cận trận đấu, cũng như tiếp cận đối thủ một cách hợp lý. Kể từ giữa tháng 4, HLV Park Hang Seo và cộng sự đã có khoảng ngót một tháng cùng đội tuyển U23 Việt Nam, chuẩn bị cho SEA Games 31 trên sân nhà. Quá lý tưởng!
Sự thay đổi rõ nhất về mặt tư duy chiến thuật, đấy là việc đội bóng đã chuyển từ lối chơi thủ/phản (tức phòng ngự chặt, tổ chức tấn công nhanh, thuật ngữ tiếng Anh gọi là "counter acttack"), qua kiểm soát và áp đặt một cách chủ động. Tuy chưa thật nhuần nhuyễn và hiệu quả, sau 4 trận đấu ở vòng bảng, nhưng đấy là sự nâng cấp cần thiết, sau hơn 4 năm, với đầy đủ những dư vị của một đội bóng thường nhập cuộc bằng sự khiêm tốn, cửa dưới.
Tâm lý chiến, hay đơn thuần là làm tâm lý cho cầu thủ - đội bóng, là một phần của chiến thuật chuẩn bị, thường diễn ra trong phòng thay đồ, trước mỗi trận đấu. Như HLV Park Hang Seo đã thừa nhận, một vài người trẻ với quỹ các trận đấu không nhiều, nên khi vào trận mắc sai số, đấy là điều bình thường. Còn về mặt tinh thần thi đấu, thuyền trưởng người Hàn Quốc hoàn toàn yên tâm. Đến thời điểm này, có thể thấy họ đã tích lũy và tiến bộ nhiều.
Cái đầu có thông, đôi chân mới thanh thoát
Tâm lý chiến hay chiến thuật chuẩn bị, bao gồm cả các hoạt động ngoại khóa như thế, cho cầu thủ và cho cả đội bóng, chứ không đơn thuần chỉ là cung đường từ sân tập hoặc sân thi đấu, trở về phòng. Thời HLV Henrique Calisto, ông thường cho đội bóng đi lễ Chùa, ở những địa điểm đội bóng đóng quân. Hôm 16/4, HLV Park Hang Seo cùng các học trò cũng đã dâng hương ở Đền Hùng và chúng ta thường thấy ông Park cầu nguyện trước mỗi trận đấu.
Tất nhiên, mỗi HLV đều có cách làm tâm lý chiến không giống nhau. Người Việt Nam có câu: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Nếu như tận dụng quỹ ngày nghỉ trước bán kết, hoặc trước lượt trận thứ 3 với Myanmar, mà đội bóng được hướng đến Cô nhi viện, Mái ấm tình thương, trường học hay bệnh viện - viện dưỡng lão…, thì còn tốt hơn nữa. Việc đưa đội tuyển về với đồng bào Trung du Bắc bộ đã là tốt rồi, nhưng khơi gợi tình yêu bóng đá, bằng với nghĩa cử - chia sẻ với cộng đồng, còn là nghĩa vụ của sắc áo quốc gia.
Cảm giác như, cầu thủ chúng ta vẫn đang căng cứng, khiến đôi chân chưa thể thanh thoát, và nhiều thời điểm lâm vào bế tắc, thiếu giải pháp khi đối phương co cụm - phòng thủ chủ động. Cần phải giải phóng bằng được thứ năng lượng xấu ám ảnh, để hướng về phía trước, với mục tiêu bảo vệ màu vàng chiếc huy chương.
Quang Hải có niềm tin tuyệt đối “Tôi không có bất cứ nghi ngờ nào về khả năng bảo vệ thành công chiếc HCV SEA Games 31 của HLV Park Hang Seo và các cầu thủ. Chúng ta đã và đang có một đội bóng tốt. Tại SEA Games 31, không nhiều đội bóng có sự chuẩn bị chu đáo như U23 Việt Nam. Tôi luôn dõi theo, cổ vũ đội bóng và chắc chắn, chúng ta sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sân Mỹ Đình khi SEA Games 31 khép lại", tuyển thủ QG, Nguyễn Quang Hải, chia sẻ với người hâm mộ bóng đá Cần Thơ, trong buổi giao lưu mới đây. "Đây không phải là một buổi họp báo chứ?! Hôm qua, tại Hội trường Đại học Cần Thơ và SVĐ Cần Thơ, tôi đã thấy các bạn cuồng nhiệt như thế nào. Những gì chúng ta cần làm đã làm rồi, với việc "Chung tay cùng bạn đến trường" (nằm trong chương trình thiện nguyện ủng hộ 89 trẻ em mồ côi cha/mẹ hoặc cả 2, trong đại dịch Covid-19, số tiền thu về hơn 850 triệu đồng, trong đó, chiếc áo đấu của Quang Hải có giá lên tới 400 triệu đồng) đấy. Giờ thì vui vẻ nhé"! Một hoạt động ngoại khóa, để lần đầu tiên hiếm hoi, người hâm mộ miệt vườn tiến gần hơn với thần tượng của mình bằng da bằng thịt, Nguyễn Quang Hải; được xem thần tượng đá bóng ngay trên sân, được chung tay cùng Hải cho việc làm có ý nghĩa, được hỏi/đáp, ký tặng, chụp ảnh… Quang Hải thực sự rất cảm động, kể từ ngày đầu đến Cần Thơ, khi chứng kiến hàng vạn fan hâm mộ chào đón mình. Nói không quá, cả một biển người ấy chứ. "Bạn đá bóng vì điều gì? Trên là phục vụ tổ quốc, sâu thẳm trong tim là gia đình và người hâm mộ. Tôi sẽ nhớ mãi kỷ niệm này, nó sẽ theo tôi suốt đời và là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn nữa", Quang Hải nói. |
Trần Hải