Chờ 'thương hiệu' xiếc của Quảng Ninh
(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan Xiếc Thế giới – Hạ Long 2019 vừa bế mạc vào tối 7/11, với những đánh giá khá tích cực về chất lượng nghệ thuật. Đó là một câu chuyện thú vị - khi chỉ vài tuần trước, một sự kiện tương tự cũng vừa diễn ra tại Hà Nội với cái tên Liên hoan xiếc quốc tế 2019.
Nói thú vị bởi hiếm khi, chúng ta lại bắt gặp 2 Liên hoan Xiếc có quy mô lớn được tổ chức liên tiếp như vậy. Thực tế cho thấy: với những khó khăn đặc thù, việc tổ chức một Liên hoan xiếc trong nước cho loại hình này cũng đã là điều khó – chứ chưa nói tới những liên hoan quốc tế, quy tụ cả trăm diễn viên trong và ngoài nước như 2 sự kiện vừa qua.
Và đáng nói hơn, nếu Hà Nội (cùng với TP.HCM) được coi là “đại bản doanh” của nghệ thuật xiếc trên cả nước thì đây là lần đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh đứng ra tổ chức một liên hoan quốc tế cho loại hình nghệ thuật này.
Như chia sẻ từ tỉnh Quảng Ninh, với việc đầu tư tổ chức một “sân chơi” quốc tế khá công phu cho xiếc, địa phương này muốn hướng tới một cái đích xa hơn: tạo tiền đề để có thể duy trì liên hoan thường niên như một sản phẩm du lịch độc đáo của Hạ Long trong mùa Đông - vốn là mùa du lịch thấp điểm trong năm.
***
Thực tế, việc tổ chức liên hoan xiếc quốc tế thường niên là điều không hiếm tại nhiều thành phố du lịch trên thế giới. Tại Italy, Tây Ban Nha, Pháp và gần nhất là Trung Quốc, nhiều liên hoan xiếc đã được định vị trở thành một hoạt động văn hóa hàng năm, có khả năng thu hút du khách quốc tế đến để vừa du lịch, vừa kết hợp thưởng thức bộ môn nghệ thuật này.
Gần hơn, tại Việt Nam trong khoảng hai thập niên trở lại đây, chúng ta cũng thường nhắc tới xu hướng tổ chức lễ hội đương đại tại các địa phương. Vắn tắt, đó là những lễ hội mới ra đời, được phát triển như một sản phẩm du lịch - văn hóa,biểu thị bản sắc địa phương và có thể đem lại hiệu quả về mặt văn hóa xã hội, cũng như nguồn lợi cho nền kinh tế. Nói cách khác, những lễ hội ấy là thành tố của công nghiệp văn hóa, vốn đang được khuyến khích phát triển.
Như phân tích, những lễ hội đương đại ấy có thể gắn với những đặc thù về lịch sử, văn hóa và bản sắc vốn có của mỗi địa phương, giống như trường hợp các Festival chè Thái Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Festival Huế và cũng có thể được xây dựng từ những yếu tố văn hóa mới xuất hiện, như trường hợp của Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng.
***
Với Quảng Ninh - một tỉnh đã xác định du lịch là ngành kinh tế trọng tâm và dự kiến đón 14 triệu du khách trong năm 2019 - ý tưởng xây dựng “thương hiệu” về liên hoan xiếc tuy mới, nhưng cũng cho thấy nhiều điểm hợp lý. Bởi, với những lợi thế về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cũng như việc sở hữu vịnh Hạ Long, địa phương này rõ ràng cũng cần thêm những sự kiện mới để thu hút du khách đến với mình.
Tất nhiên, để làm được điều ấy, mọi thứ sẽ cần đến một lộ trình dài, khi đó là những bài toán khá phức tạp về truyền thông, tạo dựng thương hiệu, thu hút cộng đồng bản địa, hay kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa.
Đặc biệt, cũng phải kể đến một thực trạng đáng buồn đã được nhắc đến từ lâu với xiếc Việt Nam: thành công và để lại tiếng vang lớn ở “xứ người”, nhưng lại thường xuyên thất thế trên sân nhà khi phải cạnh tranh với hàng loạt loại hình giải trí hiện đại. Thực trạng ấy gắn với nhiều lý do, trong đó không thể bỏ qua việc khán giả Việt vẫn giữ cách nghĩ rằng xiếc là thứ nghệ thuật dành cho… trẻ con và đã từ lâu không có thói quen mua vé vào rạp.
Nhưng, hãy cứ hy vọng, rằng quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh vẫn có những cơ hội lớn để thành hiện thực. Bởi nhìn vào thực tế, thành công của của Lễ hội pháo hoa Ðà Nẵng những năm qua đã cho thấy: dù không phải là sự kế thừa hoặc phát triển từ văn hóa bản địa, những lễ hội đương đại vẫn có thể thành công nếu có những cách tiếp cận hợp lý cả ở góc độ nghệ thuật, thị trường, sự hỗ trợ của cộng đồng và đặc biệt là tính độc đáo - vốn không nơi nào có. Bởi khác với lễ hội truyền thống, lễ hội đương đại có những nguyên tắc riêng của mình.
Anh Bảo