Chờ phố đi bộ 'thay áo mới'
(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin đáng chú ý: đề án mở rộng không gian đi bộ về phía bắc khu vực hồ Hoàn Gươm đang được Hà Nội giao cho UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu xây dựng. Theo ý tưởng này, 6 tuyến phố có thể sẽ được thiết lập không gian dành cho người đi bộ, bao gồm Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ , Hàng Bè, Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng.
Đáng nói, những tuyến phố này cũng chính là không gian nằm giữa 2 khu vực đi bộ hiện có: khu vực quanh Hồ Gươm (bắt đầu từ năm 2016) và khu vực vùng lõi phố cổ (từ năm 2014) với các phố Hàng Buồm, Mã Mây, Tạ Hiện...
Có nghĩa, nếu ý tưởng này thành hiện thực, một không gian đi bộ lớn nhất Hà Nội (và cũng lớn nhất so với các phố đi bộ hiện có trên cả nước) sẽ được thiết lập, với quy mô ôm trọn cả Hồ Gươm và phần trung tâm khu phố cổ.
Cần nhắc lại khu vực ấy cũng chính là phần kiến trúc lâu đời nhất thành phố, với những giá trị kết tinh về văn hóa, lịch sử hay du lịch của Hà Nội. Bởi thế, ngay từ năm 2016, khi phố đi bộ Hồ Gươm được thiết lập, nhiều người đã khẳng định: Chỉ khi mở rộng và kết nối với phần đi bộ ở phố cổ, không gian này mới thật sự là một chỉnh thể và phát huy hết giá trị của mình.
***
Thật ra, từ đầu năm 2018, những tuyến phố như Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ... cũng từng được quận Hoàn Kiếm đề xuất “đi bộ hóa”. Nhưng ý tưởng này khi đó không được thành phố chấp nhận với lý do chưa đủ điều kiện.
Sự thận trọng ấy không khó hiểu, nếu chúng ta nhìn vào một thực tế: Không phải phố đi bộ nào của Hà Nội cũng thành công như kỳ vọng. Đơn cử, dù đã tồn tại 16 năm, trục phố đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào hiện vẫn không để lại ấn tượng khi trở thành một... cái chợ khổng lồ của nhũng quầy tạp phẩm - thay vì khai thác được lớp giá trị bề sâu về văn hóa.
Hoặc, dù nằm cạnh Hồ Tây và có cảnh quan đẹp, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (thành lập từ 2018) lại bị cho là thiếu bản sắc riêng khi quá nghiêng về thương mại - thay vì khai thác những ý tưởng văn hóa về nhạc Trịnh như một số người từng mong.
Thậm chí, gần một năm trước, tại TP HCM, ý tưởng thành lập “siêu phố đi bộ” phủ kín khu trung tâm - điều phần nào giống với kế hoạch Hà Nội đang nghiên cứu - cũng nhận được khá nhiều lời phản đối. Những ý kiến ấy chỉ rõ: để thành công, mô hình phố đi bộ luôn gắn kèm những bài toán rất phức tạp về xử lý giao thông, tổ chức cảnh quan, tạo hoạt động tương tác... và đặc biệt là có bản sắc riêng để du khách chịu bước vào.
***
Nhắc chuyện cũ không phải để bàn lùi - khi mà ở thời điểm hiện tại, không gian đi bộ tại Hồ Gươm đã dần trở thành một điểm đến quan trọng với du khách trong và ngoài nước. Nhưng, để không gian ấy phát huy hiệu quả khi mở rộng - đó không thể chỉ là câu chuyện của một sớm một chiều.
3 năm qua, đã có rất nhiều hội thảo và ý kiến đóng góp nhằm hướng tới việc hoàn thiện mô hình phố đi bộ tại Hồ Gươm. Ở đó, như lời các chuyên gia, đã đến lúc, các hoạt động văn hóa ở đây cần được tinh lọc - thay vì chạy theo số lượng - để xứng đáng với chiều sâu của một không gian lâu đời nhất thành phố. Hoặc, khi lượng người đổ về ngày càng đông, phố đi bộ không nên chỉ được mở về phía phố cổ, mà còn cần được từng bước kết nối với không gian của khu vực Nhà thờ Lớn phía Tây - nơi còn nhiều tiềm năng cho các hoạt động du lịch - hoặc với “phố bích họa” Phùng Hưng, một không gian văn hóa cũng mới hình thành.
Và đáng nói nhất, tương lai ấy không chỉ phụ thuộc phía tổ chức. Đó còn là những vấn đề về cách ứng xử trong vấn đề rác thải, xếp hàng hay đơn giản là... thói quen đi bộ. Không gian đi bộ quan trọng nhất Hà Nội chỉ có thể thành công, nếu cả cộng đồng cùng nhìn vào đó như một điểm đến để tạo dựng thói quen văn hóa và văn minh đô thị trong mỗi dịp cuối tuần.
Sơn Tùng