Cho một kỳ nghỉ lễ mới
(Thethaovanhoa.vn)-Chúng ta vừa bước ra khỏi chuỗi 3 tuần lễ thực hiện việc “cách ly xã hội” trong mùa dịch Covid-19. Khá tình cờ, đây cũng là thời điểm mà kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã đến gần.
Thông thường, trong lịch nghỉ lễ hàng năm, dịp 30/4 và 1/5 vẫn được nhiều người trông đợi có lẽ chỉ sau Tết nguyên đán. Đó là kỳ nghỉ có độ dài có thể lên tới 4 ngày – khi thường được kết hợp với dịp cuối tuần – và cho phép mọi người chuẩn bị những kế hoạch dài hơi để thư giãn suốt quãng thời gian này.
Bởi vậy, không có gì lạ khi dịp nghỉ 30/4 và 1/5 vẫn được coi là thời điểm bắt đầu mùa du lịch của mỗi năm, khi người ta luôn chứng kiến dòng người ken đặc tại mọi bãi biển, điểm vui chơi hay khu nghỉ dưỡng. Và ở một góc độ khác, theo thói quen, kỳ nghỉ này cũng thường được chọn để tổ chức những cuộc gặp mặt, họp lớp hoặc liên hoan, khi mỗi cá nhân đều có quỹ thời gian rảnh rỗi.
Với sự mặc định như thế, kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 càng được trông đợi nhiều trong mấy tuần cách ly xã hội vừa qua. Ở bối cảnh phải thay đổi nhịp sống vốn đã quen thuộc, rất nhiều người đã nhắc đến nó, với hy vọng được “xả hơi” để cân bằng lại với chuỗi thời gian vừa căng mình chiến đấu cùng đại dịch.
Ít nhiều, mong muốn ấy cũng cần được thông cảm - khi nó gắn với một cái đích cụ thể để người ta động viên nhau “gắng thêm chút nữa” trong những ngày vừa rồi.
Nhưng chắc chắn, kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 năm nay không thể giống với mọi năm, trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam mới chỉ tạm bị đẩy lùi.
Ở ngay cạnh chúng ta, mỗi ngày trên toàn cầu vẫn ghi nhận khoảng 50.000 người nhiễm bệnh mới, kèm theo đó là 5.000 người tử vong. Rồi, WHO vừa khẳng định chưa có bằng chứng người đã chữa khỏi Covid-19 sẽ hoàn toàn miễn dịch. Và thực tế, ở không ít nơi, dịch bệnh đã bùng phát trở lại sau thời gian tưởng như kiểm soát được tình hình...
Giữa dòng chảy chung của một thế giới đang bất an như thế, chúng ta vẫn đối mặt với dịch Covid-19 từng ngày, trong một lo âu thường trực.Với những diễn biến phức tạp như từng có, chỉ cần thêm một ổ dịch mới, chắc chắn cuộc sống của cộng đồng lại có những xáo trộn - và nguy hiểm hơn, có thể xáo trộn từ tâm lý chủ quan muốn “xả hơi” sau một chặng đường dài.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau thời điểm nới lỏng“cách ly xã hội”, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Ở đó, về cơ bản, chúng ta vẫn thấy sự cần thiết của một số biện pháp phòng dịch từng được áp dụng trong thời gian trước, đặc biệt là việc hạn chế tụ tập đông người.
Và, khi giãn cách xã hội đã được nới lỏng hơn, rõ ràng việc trông chờ vào ý thức tự giác chống dịch của mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ cao hơn nhiều so với trước.
- Góc nhìn 365: 'Ngày sách Việt Nam' và chướng ngại của văn hóa đọc
- Góc nhìn 365: Cột mốc từ 'hội sách online'
- Góc nhìn 365: 'Đánh bay Covid' - tuổi nhỏ làm việc lớn
Giống như câu chuyện về dịp 30/4 và 1/5 sắp tới. Thẳng thắn,chúng ta khó có thể yêu cầu tất cả những người vừa trải qua giãn cách xã hội tiếp tục... ngồi nhà để trải qua kỳ nghỉ này. Nhưng ngược lại, hơn lúc nào hết, xã hội lại đang rất cần sự kiềm chế và tự ý thức của mỗi cá nhân, để tự điều tiết và giảm thiểu nhu cầu ấy.
Ít nhiều, đó cũng không phải là một đòi hỏi quá đáng, nếu nhìn lại những nỗ lực không biết mệt mỏi của cộng đồng để đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian vừa rồi. Cần nhớ những nỗ lực ấy bao gồm cả sự đánh đổi, khi chúng ta chấp nhận những gián đoạn và sụt giảm trên nhiều lĩnh vực khác của xã hội, đặc biệt là kinh tế.
Đừng để những nỗ lực ấy thành vô ích, cho sức khỏe của cộng đồng và cho cả sự ổn định cần thiết của xã hội, để chúng ta tăng tốc và bù đắp lại phần nào những gì đã mất.
Hãy có một kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 khác với mọi năm, từ sự ý thức của mỗi người. Và nếu còn do dự, hãy nhớ tới một nhận xét đã được thực tế chứng minh: Dịch Covid-19 cũng chính là lúc những giá trị của bản thân và cộng đồng được kiểm chứng một cách xác thực nhất.
Sơn Tùng