'Chợ Đồng Xuân thành trung tâm thương mại?': Chợ vẫn phải là chợ
(Thethaovanhoa.vn) - "Chợ Đồng Xuân sẽ được xây lại thành trung tâm thương mại"??! Vài ngày trước, tin đồn ấy lập tức khiến hàng trăm tiểu thương (đang buôn bán tại chợ) cùng tập hợp, đổ xuống đường phản đối. Và câu chuyện chỉ dịu đi, khi chính quyền quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khẳng định không có điều này.
- Kế hoạch cải tạo chợ Đồng Xuân: Xây trung tâm thương mại có hiệu quả?
- Chuyên gia hiến kế 'biến' chợ Đồng Xuân - Bắc Qua thành trung tâm thương mại
Dịu đi, chứ không phải đã hết. Bởi thực tế, gần 2 năm trước, ý tưởng ấy cũng đã được nhắc tới, qua lời một lãnh đạo quận. Theo đó, chợ Đồng Xuân được xây từ 1994 (sau hỏa hoạn) nên đã quá tải về hạ tầng. Vì vậy, chợ truyền thống này nên được xây lại với quy mô 4 tầng nổi và 5 tầng hầm để tăng diện tích sử dụng.
Với những gì đang diễn ra, rất có thể, ý tưởng ấy sẽ không thành hiện thực. Nhưng, cách mà các tiểu thương chợ Đồng Xuân phản ứng trong hoảng sợ lại gợi ra một câu chuyện khác, về các khu chợ truyền thống tại đô thị.
Thống kê chưa đầy đủ cho biết: trên toàn quốc hiện có gần 9.000 chợ truyền thống. Và, từ năm 2010 tới nay, tại các đô thị lớn, một số chợ truyền thống đã được quy hoạch lại để phát triển theo hướng kết hợp cùng trung tâm thương mại. Thông thường, các khu chợ này được xây lại với hệ thống các tầng hầm dùng làm bãi gửi xe và dành cho chợ truyền thống, trong khi các tầng nổi được xây cao vào những mục đích khác.
Trên lý thuyết, cách làm ấy là khoa học. Chợ truyền thống được "xây lại" sẽ giải quyết các tồn tại về điều kiện vệ sinh, an toàn cháy nổ và đặc biệt là bổ sung các tiện ích về bãi gửi xe hay công trình phụ trợ - điều mà rất nhiều chợ dân sinh cũ không đảm bảo. Đồng thời, việc mở rộng không gian (về chiều cao) cho các công trình khác cũng làm tăng hệ số sử dụng đất tại những khu chợ vốn nằm ở vị trí trung tâm trong thành phố.
Nhưng thực tế, rất nhiều khu chợ truyền thống ấy lại không còn là chính nó, khi được xây lại. Lý do rất đơn giản, và cũng gắn liền với nỗi lo lắng của các tiểu thương chợ Đồng Xuân: khách không vào chợ.
Chỉ riêng tại Hà Nội, sau khi được xây lại theo hướng này, các khu chợ truyền thống như chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Ô Chợ Dừa, chợ Cửa Nam... đều hoạt động èo uột. Để rồi, vào năm 2017 vừa qua, thành phố đã tạm dừng xây lại các chợ truyền thống theo cách ấy.
***
Đã có nhiều lý do được đưa ra để giải thích. Trong đó, nhiều nhất là tâm lý... ngại gửi xe và đi bộ xuống tầng hầm của người mua.
Nhưng xa hơn, đó còn là một câu chuyện khác: sự thay đổi về cấu trúc của một không gian đã không còn lấy khu chợ của các tiểu thương để làm chủ thể thương mại.
Có "tuổi thọ" hàng chục, thậm chí cả trăm năm, sự phát triển của các khu chợ truyền thống luôn gắn liền với việc hình thành một cộng đồng, với một văn hóa riêng và những đặc điểm riêng về sinh hoạt, thói quen mua bán, các mối quan hệ với khách hàng. Đặc điểm ấy còn gồm cả cách tổ chức không gian đặc thù theo hướng thuận lợi nhất cho kẻ mua người bán.
Và, trong khi chợ truyền thống được tổ chức lại không gian để "nhét" xuống hầm, thì những khối kiến trúc được xây trên... đầu chợ lại không thể thay thế nó, trong vai trò của các siêu thị.
Bởi với tư duy của người Việt, chợ là nơi bán đồ tươi, là nơi người ta có thể mặc cả để tìm kiếm một mặt hàng vừa túi tiền, là nơi nghe người bán giới thiệu và "tiếp thị" về sản phẩm, là nơi có thể ghé qua chỉ trong 5 phút để mua một mớ rau, một con cá. Tất cả những yếu tố ấy đều khó tìm hoặc không có trong siêu thị.
Trở lại câu chuyện của chợ Đồng Xuân. Cũng như nhiều khu chợ khác, không gian ấy rất cần được nâng cấp về hạ tầng, vệ sinh, phòng chống cháy nổ hay công trình phụ trợ. Làm được điều ấy, thẳng thắn là khó - nếu như có giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư.
Nhưng, nếu nhìn từ mục đích duy trì một không gian gắn với thói quen sinh hoạt của cộng đồng, thì rõ ràng chợ vẫn phải... là chợ đã.
Cúc Đường