'Chiều ngã đã có đêm nâng'
(Thethaovanhoa.vn) - Có ít nhất 2/6 cầu thủ vừa dính vào nghi án dàn xếp tỷ số ở trận đấu Đồng Nai – Than Quảng Ninh từng khoác áo XMXT.Sài Gòn. Đó là Nguyễn Thành Long Giang và Phan Lưu Thế Sơn. Thêm 2 cầu thủ khác đã kinh qua một đại diện nữa của bóng đá TP.HCM (CLB TP.HCM) là Hà Niệm Tiến và Đinh Kiên Trung.
Đức Thiện ít nhiều cũng có liên quan đến bóng đá Sài thành, khi anh là sản phẩm của lò đào tạo Thành Long của bầu Hưng, trước khi chuyển tới vài đội bóng chuyên nghiệp khác.
Người ta không bất ngờ khi Phan Lưu Thế Sơn một lần nữa dính vào nghi án tiêu cực, bởi trong một chuyên đề cách đây 4 năm, Thể thao & Văn hoá đã từng cắt băng, phân tích rất kỹ pha đá phản lưới nhà có chủ ý của cựu trung vệ ĐT U19 Việt Nam từ khoảng cách đến 40m. Đấy là giải U21 quốc tế - Cúp Báo Thanh Niên 2010 và Thế Sơn vào thời điểm đó đang thuộc biên chế đội trẻ Hà Nội.T&T, đội bóng mà HLV Triệu Quang Hà từng có khoảng thời gian dài gắn bó.
Dù ĐT U19 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Quang Hà đã gây được tiếng vang tại giải đấu quốc tế trên sân Thống Nhất năm đó, nhưng Thế Sơn vẫn bị Hà Nội.T&T thanh lý sau scandal kể trên.
Bằng cách nào đó, HLV trưởng kiêm GĐĐH CLB XMXT.Sài Gòn, Trần Tiến Đại, đã móc Thế Sơn về với đội bóng của ông. Cũng tựa như rất nhiều các cái tên khác lâm vào cảnh bi đát khác, “cò” Đại giống như một cái phao cứu sinh đầy nghĩa hiệp, trước khi cầu thủ bị biến thành công cụ.
Chúng ta đều biết là, khi N.Sài Gòn tuyên bố giải thể đội bóng, một bộ phận đáng kể các cầu thủ đã được XMXT.Sài Gòn mua lại, trong đó có Long Giang, Việt Cường, Tài Em, Hải Anh, Công Thành…
Tại một môi trường phức tạp như XMXT.Sài Gòn (từng bị ví là “gánh xiếc rong”), cực khó để phòng vệ, chứ đừng nói miễn nhiễm. Quá nhiều những scandal hậu trường, những nghi án và thực tế, có đủ những tấm gương rồi, nhưng tạm thời trong bài báo này, chúng ta thôi không đề cập.
Với các trường hợp của Hà Niệm Tiến, Đinh Kiên Trung và Nguyễn Đức Thiện, tuy không ồn ào, nhưng không phải không tì vết. Đức Thiện trước khi làm “kíp nổ” vụ tranh chấp hợp đồng với SQC.Bình Định từng làm chân “giao liên” cho các đàn anh trong màu áo một CLB ở V-League. Niệm Tiến và Kiên Trung cũng có chút kinh nghiệm thông qua cuộc “binh biến” trong màu áo K.Kiên Giang, khi đội bóng này tuyên bố từ bỏ cuộc chơi (cuối V-League 2013).
Trong rất nhiều các chuyên đề, trước và trong khoảng thời gian diễn ra VCK World Cup 2014, chúng tôi đã đề cập đến bóng ma dàn xếp tỷ số tại các giải đấu quốc nội, theo phương ngôn bóng bẩy là “chiều ngã đã có đêm nâng”.
Nói theo ngôn ngữ mộc mạc của người Nam bộ thì, “thua me ta gỡ bài cào”, dù thực tế, tỷ lệ bóng mạng các giải đấu trong nước bị hạn chế (tiền cược) và người chơi luôn phải chịu thiệt 30 %. Tức người chơi (với tất cả các thể loại bóng) nếu thắng chỉ nhận nhiều nhất là 70%, còn thua luôn là 100%.
Vẫn cần có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra và phải đợi thêm một thời gian nữa trước khi Toà án luận tội những kẻ nhúng chàm. Điều người ta quan tâm nhất lúc này là liệu BTC các giải đấu bóng đá quốc nội có dám làm đến nơi đến chốn, khi nhìn đâu cũng thấy vi trùng và đụng đến đâu là vỡ đến đó?! Tiêu cực thậm chí không còn là bóng ma như cách nhiều người vẫn ví von nữa mà là sự thực hiện hữu.
Trần Hải
Thể thao & Văn hóa