Chiến thuật & Lối chơi: Sự bùng nổ và thoái trào của 'số 9 ảo'
(Thethaovanhoa.vn) - Bước vào vòng 1/8 của vòng chung kết EURO 2016, người Đức vẫn chưa thể có một câu trả lời thực sự tự tin cho vị trí tiền đạo. Đó sẽ là “số 9 ảo” Mario Goetze hay “số 9 thực sự” Mario Gomez? Hãy nhân cơ hội này để nhìn lại toàn cảnh sự phát triển của vai trò “số 9 ảo”.
Vị trí “số 9 ảo” không phải một phát minh mới mẻ của nửa cuối thập niên 2000, cũng không bỗng nhiên mà ngày càng ít xuất hiện hơn khi thế giới bóng đá tiến tới giai đoạn cuối của thập niên 2010.
Từ Sindelar đến Messi
Danh từ “số 9 ảo” có thể được hiểu một cách đơn giản là những cầu thủ chơi ở vai trò tiền đạo, nhưng không hoạt động chủ yếu trong không gian của một tiền đạo thông thường. Danh từ này bắt đầu trở nên nổi tiếng kể từ khi Lionel Messi lên đỉnh thế giới cùng Barcelona trong vai trò “số 9 ảo”. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng Messi không phải “số 9 ảo” đầu tiên của bóng đá thế giới.
Một trong những “số 9 ảo” đầu tiên sử sách ghi nhận là Matthias Sindelar, huyền thoại bóng đá Áo. Trong một trận giao hữu giữa Anh và Áo trên sân Stamford Bridge năm 1932, Anh đã thắng cực nhọc với tỉ số 4-3. Tuy nhiên, những người có mặt trên sân khi ấy đã ghi nhận một điều rất đáng chú ý: Sindelar, cầu thủ mà trên lý thuyết là tiền đạo chơi chính giữa, cao nhất đội hình Áo đã liên tục di chuyển rộng, tham gia vào khu vực giữa sân để làm bóng thay vì chỉ “mắc màn” trong vòng cấm địa.
Người Anh tiếp tục gặp khó khăn trước những đội bóng sở hữu tiền đạo di chuyển rộng trong những năm sau đó mà chẳng hề rút kinh nghiệm. Tiêu biểu nhất vẫn là “Trận cầu thế kỷ” giữa Anh và Hungary vào năm 1953. Ở đó, tam tấu Nandor Hidegkuti - Ferenc Puskas - Sandor Kocsis đã khiến đối thủ đảo điên. Anh hoàn toàn bất lực trước hình ảnh hai chân sút trứ danh Puskas và Kocsis chơi rộng sang hai biên, trong khi đó Hidegkuti thường xuyên lùi lại giữa sân rồi bất ngờ quay lại đánh thẳng mặt trung lộ.
Hidegkuti sau này được ghi nhận như một trong những “số 9 ảo” toàn diện nhất trong cuốn sách “Inverting the pyramid” của nhà báo Jonathan Wilson. Ông đã lập hat-trick trong “Trận cầu thế kỷ” để giúp Hungary thắng Anh tới 6-3.
Nói tới thành công của Barcelona dưới thời Pep Guardiola, người ta thường nhắc tới công lao của Johan Cruyff. Và chính Cruyff cũng từng nhiều lần chơi trong vai trò “số 9 ảo”. Hệ thống 4-3-3 với “số 9 ảo” của Guardiola sau này thực chất chính là sơ đồ 4-4-2 kim cương của Cruyff (với 2 tiền đạo chơi rộng ra biên).
Và cũng ngay trước khi Messi, Guardiola và Barca chinh phục châu Âu, Manchester United và AS Roma cũng từng tạo ấn tượng về lối chơi không có tiền đạo cắm đích thực. Man United thường bố trí Carlos Tevez hoặc Cristiano Ronaldo chơi tiền đạo, nhưng họ sẽ di chuyển rất rộng để thu hút hậu vệ, tạo khoảng trống cho tiền đạo trái (Wayne Rooney) hoặc tiền đạo phải (Ronaldo hoặc Tevez) băng vào dứt điểm. Roma thì tận dụng sự toàn diện của Francesco Totti để kiểm soát trung tuyến, đồng thời dụ đối thủ dâng cao.
Vì sao “số 9 ảo” suy thoái?
Để trả lời được câu hỏi trên, cần đánh giá lại thành công của việc sử dụng “số 9 ảo” trong đội hình. Vai trò của “số 9 ảo” thường đi liền với mục tiêu kiểm soát trung lộ, áp đặt thế trận của đội sử dụng. Khi cầu thủ “số 9 ảo” rời khỏi vị trí của một tiền đạo thông thường và lùi lại, chơi trong khoảng trống giữa hàng tiền vệ và hậu vệ đối thủ, đội cầm bóng lập tức có thêm một con người ở khu vực này, qua đó dễ dàng tạo ra lợi thế về số lượng cầu thủ ở giữa sân và đưa bóng tiến về phía trước.
Ví dụ ở Barca, việc Messi lùi lại thường giúp trung tuyến Barca có tới 4 mắt xích là Sergio Busquets, Xavi, Andres Iniesta và Messi. Họ nhiều người hơn gần như mọi đối thủ ở khu vực này (thường thì các đội chỉ dùng 2-3 tiền vệ trung tâm), nên dễ dàng kiểm soát thế trận.
“Số 9 ảo” lùi lại cũng sẽ khiến các hậu vệ bối rối, khi khu vực họ phụ trách không có ai hoạt động. Chỉ cần một giây nóng vội dâng lên theo đối thủ (để kèm, hoặc để phụ giúp các tiền vệ trung tâm), lập tức khoảng trống sẽ lộ ra cho các cầu thủ cùng đội của “số 9 ảo” khai thác.
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của gần 10 năm trước. Hiện tại, đã bắt đầu có nhiều đội bóng bóp nghẹt khoảng không gian giữa hàng tiền vệ và hậu vệ. Có thể họ sẽ đẩy hàng hậu vệ lên rất cao, hoặc có thể các tiền vệ sẽ lùi lại thật thấp. Đi kèm với đó sẽ là phương pháp phòng ngự khu vực tối đa.
Các “số 9 ảo” vì thế cũng không còn mang tới lợi thế rõ ràng nào nữa. Đặc biệt, khi đối thủ đã nhường lại sân chơi và co cụm ngay trước vòng cấm, họ cũng sẽ giúp ích cho đội ít hơn nếu không có những kỹ năng của một số 9 cổ điển.
Đó có thể là khả năng xoay lưng lại khung thành đối thủ để tì đè, làm tường, bật nhả. Đó có thể là khả năng không chiến (“số 9 ảo” thường không phải những cầu thủ đáng chú ý về thể hình). Đó có thể là những bài bản chạy cắt mặt, chạy chéo tới cột xa, cột gần.
Và đây cũng chính là lý do vì sao các số 9 cổ điển đang dần trở lại trong thời gian qua. Khi các đội đều đã phòng thủ số đông theo khu vực thay vì kèm người, đã biết cách bóp chặt không gian, việc sử dụng “số 9 ảo” không thực sự còn nhiều ý nghĩa như trước đó.
Pep Guardiola - người đã đưa Lionel Messi lên đỉnh thế giới trong vai trò “số 9 ảo” - đã sử dụng Robert Lewandowski tại Bayern Munich. Dù hoàn toàn đủ khả năng chơi lùi, rộng khi cần thiết, nhưng Lewandowski vẫn thi đấu giống như một số 9 thực sự. Nhiệm vụ của anh sau khi giúp đội tiến vào một phần ba phần sân của đối thủ thường luôn là lao vào vòng cấm địa, thay vì lảng vảng bên ngoài.
Nhìn lại Tây Ban Nha, 4 năm trước họ còn dùng một “số 9 ảo” đáng xem là Cesc Fabregas. Nay, Alvaro Morata đang cạnh tranh “chiếc giày vàng”. Ở Barcelona, Messi đã trở lại cánh phải và Luis Suarez chơi cao nhất hàng công.
Có lẽ, HLV Joachim Loew nên nghĩ kỹ hơn về Mario Gomez.
Người Anh từng nhiều lần thua vì “số 9 ảo” Kể từ sau khi giáp mặt Matthias Sindelar của Áo vào năm 1932, cho tới trước khi đại bại trước Nandor Hidegkuti của Hungary vào năm 1953, người Anh thực ra đã nhiều lần thất bại trước các đội bóng sử dụng “số 9” di chuyển rộng, thay vì đứng yên. Năm 1945, Dinamo Moskva từng thực hiện một chuyến du đấu tại Anh. Khi ấy họ sử dụng một “số 9 ảo” là Vsevolod Bobrov. Năm 1947, Anh thua Thụy Sĩ vì không thể kiểm soát Alfred Bickel. Năm 1951, đội tuyển đại diện cho Anh thua đội tuyển đại diện cho Argentina do hậu vệ Malcomm Barrass thường xuyên bị tiền đạo Jose Lacasia kéo ra quá xa khỏi vòng cấm địa. Cùng thời kỳ ấy, thế hệ huyền ảo “La Maquina” của River Plate đã làm mưa làm gió tại Nam Mỹ với Angel Labruna - một “số 9 ảo”. Còn tại Anh, người ta vẫn quen thuộc với cách nhà báo lão làng Brian Glanville mô tả về vị trí tiền đạo: “con bò không có não đứng trước gôn” - những người chỉ vào sân để đón các quả bóng bổng. 23h00 ngày 26/6, sân Pierre-Mauroy (Lille): Đức - Slovakia Đội hình dự kiến Đức: Neuer, Kimmich, Boateng, Hummels, Hector, Khedira, Kroos, Oezil, Mueller, Goetze, Gomez. Slovakia: Kozacik, Perakik, Skrtel, Durica, Hubocan, Mak, Kucka, Pecovsky, Hamsik, Weiss, Duda, Dự đoán: 2-0 |
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa