Chiến dịch 'ôm cây'
(Thethaovanhoa.vn) - Cây có phải là một câu chuyện ở các nước trên thế giới này không? Có chứ, chuyện lớn là khác. Lớn đến mức... tự hào.
Moskva và Kiev có những khu rừng trong thành phố. New York đầy nhà chọc trời, nhưng không vì thế mà không có một Central Park đầy cây xanh giữa lòng nó. Paris luôn hãnh diện với những hàng cây đẹp. Pretoria, thủ đô của Nam Phi, luôn tím rực một màu của hoa jakaranka trên những con đường.
Tôi sống và làm việc ở Rome, một trong những thủ đô nhiều cây xanh nhất thế giới. Nhìn từ trên máy bay, thành phố giống như một khu rừng len lỏi lớn giữa trung tâm cổ, lan ra các quận, chạy tới những vùng ngoại ô và phụ cận.
Rome có rất nhiều khu rừng trong phố và có hơn 200 ngàn cây lớn các loại, trong số đó rất nhiều cây già và có thể đổ xuống sau những cơn mưa lớn. Những năm qua, số lượng cây lớn như thế cũng gây ra không ít vấn đề và tranh cãi. Chính quyền luôn chậm chạp trong việc chặt bỏ những cây già cỗi, còn người dân thì cảm thấy vẫn thiếu cây xanh trong thành phố của họ và luôn phàn nàn vì điều ấy. Nhưng sự đồng thuận của chính quyền và người dân trong việc bảo vệ cây xanh thật đáng chú ý.
Một góc Villa Borghese, rừng trong phố ở Rome
Mỗi năm, vào dịp cuối tháng 11, người dân và chính quyền Rome (cũng như nhiều nơi khác trên đất nước Italy) đồng loạt tham gia vào Ngày hội quốc gia vì cây xanh nhằm nêu bật vai trò của những lá phổi xanh đối với cuộc sống của họ. Năm ngoái, người ta phát động một chiến dịch... ôm cây để kỉ niệm ngày này. Hàng nghìn người đã tham gia nhiệt tình. Hoạt động ấy còn được thực hiện trên mạng xã hội với hashtag #abbraccialo (hãy ôm cây).
Con gái tôi, hồi còn học cấp 1 ở đây, năm nào cũng được cô giáo khuyến khích ra vườn trồng một cái cây nhỏ trong giờ học về môi trường. Một thời gian sau, cây lớn, các bé phải đánh cây vào một cái chậu. Nhà trường sẽ tổ chức một buổi "hội chợ" để các con bán cây mà chúng trồng cho chính... cha mẹ chúng. Số tiền ấy sẽ được dành cho một quỹ về bảo vệ môi trường của ngành giáo dục.
***
Còn chuyện cây đã già cỗi và đổ xuống, gây thiệt hại về người thì năm nào cũng diễn ra. Cuối năm ngoái, thị trưởng Rome Ignazio Marino đã đích thân đến dự lễ tưởng niệm một thanh niên thiệt mạng vì cây đổ ở trung tâm thành phố. Điều mà ông đã làm sau đó là gì? Ông trồng một cây xanh trước cửa ngôi nhà mà người thanh niên xấu số đã sống. Và ở đó, ông cùng các quan chức của Bộ Môi trường Italy phát động một phong trào trồng cây xanh mới, đồng thời hứa sẽ thay dần dần những cây đã quá già cỗi và có nguy cơ đổ.
Ở nhiều nơi, những cái cây thỉnh thoảng vẫn đổ xuống, gây chết người, và mỗi mùa Xuân đến, phấn hoa bay khắp nơi khiến không ít người bị dị ứng (mà chi phí cho các loại thuốc điều trị mà họ dùng không hề nhỏ). Nhưng họ không thể vì mình bị dị ứng phấn hoa mà đòi phá hết cây, không thể vì mỗi năm luôn có người chết khi cây đổ vì mưa bão mà đòi chặt hết số cây "có vấn đề" cùng một lúc được.
Tôi tin rằng, người Hà Nội sốc không phải vì không hiểu được việc chặt những cây già, rễ chùm và có nguy cơ gẫy đổ vào mùa mưa là cần thiết, mà vì người ta không thể hiểu được tại sao lại phải chặt nhiều đến thế, trong một thời gian ngắn đến thế.
Tôi chưa thấy ở đâu người ta rầm rộ chặt cây như thế ở thủ đô của họ, khi những lý giải của những người thực hiện đề án không hề thuyết phục được công chúng.
Cái cây, xét cho cùng không phải là chuyện của riêng nó, mà là của những người sống chung với nó, và dưới bóng mát của nó. Không trân trọng nó là tự xiết lá phổi của mình.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa