Chỉ ‘1 centimet’ biến ngọc nữ 9X thành cô gái may mắn nhất lịch sử bóng chuyền Việt Nam
Ai cũng cần may mắn dù ít dù nhiều để thành công trong cuộc sống và sự nghiệp nhưng không phải ai cũng may mắn thần kì như cô gái này. Chỉ 1 centimet nữa thôi là mọi chuyện đã kết thúc với cô rồi.
Nguyệt Anh và cú thoát hiểm hiếm thấy trong sự nghiệp
Nói đến Phạm Thị Nguyệt Anh (sinh năm 1998), người ta nghĩ ngay đến hình ảnh một "chuyên gia phát bóng" của tuyển nữ Việt Nam.
Những quả phát bóng của Nguyệt Anh có độ liệng, độ xoáy cao, khiến đối thủ rất khó bắt bước 1 tốt. Đây là vũ khí quan trọng và cũng là sở trường của cô gái Quảng Bình.
Khả năng phát bóng khó biến Nguyệt Anh thành quân bài chiến thuật quan trọng của HLV Tuấn Kiệt ở tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam.
Hơn 2 tháng qua là quãng thời gian cực đáng nhớ trong sự nghiệp của Nguyệt Anh khi cô cùng tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vô địch giải đấu các CLB Châu Á, giành HCB SEA Games 32 và mới rồi, vô địch AVC Challenge Cup 2023.
Những thành tích vô cùng tuyệt vời nhưng không nhiều người biết Nguyệt Anh đã phải nỗ lực vượt khó thế nào để trở lại ấn tượng như hôm nay.
Chuyện xảy ra từ mùa Hè 2018 nhưng đến cho đến tận bây giờ, Nguyệt Anh vẫn không thể quên tai nạn kinh hoàng năm ấy khi mảnh vỡ của chiếc bình thủy tinh cắt đứt 3 gân ngón tay và cả động mạnh chủ ở bàn tay phải của cô.
Đó là chấn thương cực nghiêm trọng đối với một VĐV bóng chuyền vì nó có thể khiến họ mãi mãi không thể cử động bàn tay và các ngón tay được như người bình thường để tiếp tục thi đấu và chứng kiến sự nghiệp bị tiêu tan.
Càng đáng sợ hơn nữa khi chấn thương ấy xảy đến với Nguyệt Anh khi cô mới 20 tuổi, cái tuổi mà bất cứ cô gái nào cũng có thể dễ dàng bị hạ gục bởi những tổn thương khủng khiếp về tâm lí mà họ phải chịu đựng.
"Nếu vết thương chỉ nhích lên thêm 1cm, Nguyệt Anh không bao giờ đánh bóng được nữa", bác sĩ nói với chị Võ Thị Thu, mẹ của Nguyệt Anh như thế khi cô gặp chấn thương vào năm 2018.
1 centimet, chỉ 1 centimet thôi, lằn ranh giữa hi vọng và tuyệt vọng quả vô cùng mong manh. Nhưng trong cái rủi, có cái may. Nguyệt Anh đã cực kỳ may mắn vì tay cô không bị cắt ở vị trí "định mệnh".
Nhờ hồng ân của số phận mà cô gái 9X sau hơn 1 năm dưỡng thương và phục hồi, đã có thể trở lại thi đấu đầy mạnh mẽ sau đó và nhờ thế, người hâm mộ và tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam mới có một Nguyệt Anh chuyên gia phát bóng như hôm nay.