'Chết đứng' vì... 'Chết cười'
(Thethaovanhoa.vn) - Truyền hình thực tế dạo này nhiều chuyện quá, chưa hết giận sau màn “uống a xít” trên sân khấu, bà chủ lại liên tiếp trải qua những hỉ nộ ái ố mỗi khi cầm lấy remote theo dõi chương trình yêu thích.
Chẳng có một cuộc thăm dò chính thức, nhưng suy từ chính bản thân bà chủ ra thì thấy ngay điều tạo nên sức hút của game show là cảm xúc người xem. Phải làm cho khán giả hồi hộp dõi theo, phải yêu thích bình chọn, phải khóc cười cùng nhân vật… thì chương trình mới có sức hút dài lâu. Với phụ nữ thích phim Hàn, dễ mủi lòng, sến một chút như bà chủ thì đặc biệt thích được “khóc” cùng nhân vật.
Vì thế, sau những “cú lừa” như chị Lượm trong Người xây tổ ấm, ca sĩ Anh Thúy trong Nhân tố bí ẩn… thì người xem như bà vẫn cứ tin vào… nước mắt. Các chương trình vẫn cứ ra sức tìm kiếm sự xúc động và đẩy cảm xúc của người xem đến đỉnh điểm. Vợ chồng người hát rong Thanh – Ðào trong Ðiều ước thứ 7 hôm nọ chắc cũng như vậy thôi.
Bà và khối người rớt nước mắt với câu chuyện của họ,với tình yêu đẹp như cổ tích của chàng trai hát hay và cô gái mù cùng đứa bé mang tên một khát vọng là Sao Mai. Câu chuyện đẹp thế kia mà.
Thế rồi, sau khi nửa còn lại của sự thật phát lộ, bà không giận dữ vì bị lừa dối, nhưng hụt hẫng, buồn và tiếc cho những giọt nước mắt đã rơi. Tiếc hơn là niềm tin vơi đi đôi chút, rằng cổ tích là chuyện không có thực trên đời. Có lẽ nhiều khán giả từng rơi nước mắt cho câu chuyện kia như bà giờ lại phải “khóc” vì sụp đổ niềm tin.
Nhưng dù sao thì cuộc sống vẫn tiếp diễn, truyền hình vẫn phải xem. Không muốn nước mắt thì người ta có thể tìm tiếng cười chứ. May quá, sau Ơn giời, cậu đây rồi xuất hiện chương trình mới khá “hot”: Chết cười.
Nhưng hỡi ôi, ngay tập đầu tiên bà xem xong mà tưởng như… chết đứng. Bà ngượng vì sự tự do, thiếu kiềm chế vì sự tung hứng quá ư vô tư của nghệ sĩ.
Sân khấu liên tiếp có những màn đối đáp kiểu như: Cong quá gãy sao?; Xóc đi, xóc mà không ra là có chuyện; Cái gì càng chơi càng ra nước? Chim gì không biết bay? Cái gì càng to càng nhỏ… Hàng loạt câu hỏi ẩn ý mà người xem ở mức trí tuệ bình thường như bà không thể không suy diễn ra chuyện sinh lý người lớn. Cũng may, tập đầu tiên nên bà phải “duyệt” trước không cho hai đứa nhỏ xem.
Chỉ hai chuyện ấy thôi cũng thấy đúng là dạo này truyền hình thực tế nhiều bi hài quá; khóc cũng không được mà cười cũng không xong.
Remote
Thể thao & Văn hóa