Chào tuần mới: Ý thức đám đông
(Thethaovanhoa.vn) - Một hệ thống siêu thị bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam, sau một thời gian kinh doanh thua lỗ, đã thông báo chương trình xả hàng, thanh lý với mức giảm giá sâu, trước khi rút đi. Nhiều người đã tận dụng cơ hội vàng này đến để mua sắm và gây ra một cảnh hỗn độn với nhiều hành vi phản cảm, thiếu ý thức…
Đối với một doanh nghiệp, việc kinh doanh thua lỗ dẫn tới phải đóng cửa là một thất bại. Lựa chọn việc giảm giá nhằm phần nào thu hồi tài sản, giảm bớt những thiệt hại là một việc làm đúng. Và xét theo một góc độ nào đó thì khách đến mua hàng cũng là một cách chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã không có được những hành động đẹp mà còn có những hành vi đáng xấu hổ. Bằng chứng là rất nhiều hình ảnh các mặt hàng trên quầy, kệ bị vứt lung tung bừa bãi sau khi được lựa chọn. Hình ảnh trái táo đã bị cắn một miếng rồi bỏ lại, hộp sữa rồi hộp bánh chocolate cũng bị khách hàng bóc ra uống và ăn thử rồi vứt vỏ hộp xuống dưới gầm kệ hàng... Nhiều người còn cho con mình lấy hàng hóa làm đồ chơi, vô tư vứt rác lại. Thậm chí cư dân mạng còn phản ánh một bà mẹ để con phóng uế ngay ra sàn siêu thị tại khu vực hàng giảm giá.
Nhiều người đã đặt câu hỏi rằng chúng ta tiết kiệm được vài chục, vài trăm ngàn đồng nhưng có bao giờ nghĩ rằng mình đã đánh đổi thứ gì quan trọng không? Ý kiến khác lại đưa ra so sánh khi xã hội bây giờ, hàng hóa đã nhiều lên nhưng văn minh lại ít dần và câu chuyện này lại xảy ra tại những khu đô thị lớn, nơi được xem là có cuộc sống văn minh.
Hình ảnh không đẹp đó phản ánh nếp sống của một bộ phận người dân, chỉ chú ý đến lợi ích nhỏ, lợi ích trước mắt, mà không nghĩ tới lâu dài. Xét từ hiệu ứng tâm lý đám đông thì sự bừa bãi nêu trên có thể lý giải được. Đúng như phân tích của TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam “Người ta thấy một người làm được thì tất cả những người khác cũng làm theo mà quên đi quy chuẩn văn hóa”.
Cái tâm lý đám đông, ỷ thế vào đám đông để làm bậy thật đáng xấu hổ. Chắc chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện đám đông dừng đỗ xe ngay giữa đường để lấy đi các chậu hoa trang trí đường phố, sau khi sự kiện kết thúc. Đám đông ấy đã “giành giật cái đẹp bằng hành vi xấu xí”.
Trong câu chuyện nói trên, có một vấn đề đáng lo ngại, đó là những hành vi phản cảm, xấu xí này lại diễn ra trước mắt rất nhiều trẻ em. Vô hình chung, việc làm của người lớn lại gây ra ấn tượng không tốt cho trẻ, tạo thành thói quen bắt chước người lớn, ảnh hưởng đến nhân cách của các em sau này.
Tuần mới này cả nước chuẩn bị cho các em đón Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, chắc chắn nhiều trung tâm mua sắm, các khu vui chơi giải trí sẽ lại có những đợt giảm giá, khuyến mãi. Sẽ có thêm các ưu đãi đặc biệt dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Các khu vực này chắc chắn sẽ thu hút đông đảo khách hàng. Thêm nữa, trong tuần đầu nghỉ Hè, các khu du lịch dự báo cũng sẽ rất đông đúc. Nếu cứ với tâm lý đám đông như thế, thì nhiều phiền lụy sẽ rất dễ xảy ra.
Thay vì hô hào khẩu hiệu, người lớn chúng ta hãy thể hiện những việc làm cụ thể khi cùng các em tham gia vui chơi, đi nghỉ mát. Bắt đầu từ việc đơn giản nhất là biết cách xếp hàng trật tự. Biết nhường nhịn và chia sẻ đồ vật cho các em nhỏ tuổi hơn. Ăn uống đúng khu vực, không vứt rác thải bừa bãi, đi vệ sinh đúng nơi đúng chỗ…
Một tuần hãy bắt đầu bằng những việc như thế.
Xuân An