Chào tuần mới: Tinh thần 'cùng nhau'
(Thethaovanhoa.vn) - Olympic Tokyo 2020 đang bước vào giai đoạn cuối và sẽ bế mạc vào cuối tuần này. Đây cũng là tuần cao điểm của nhiều địa phương trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội thêm 14 ngày. Hà Nội cũng đang trong 15 ngày thực hiện chỉ thị 16. Một số địa phương còn yêu cầu dừng các hoạt động từ 18h tối cho đến 6h sáng hôm sau nhằm đảm bảo việc chống dịch được triệt để …
Có lẽ cần nhắc lại một thông tin mà nhiều người đã biết, đó là khẩu hiệu Olympic được nhà quý tộc người Pháp Pierre de Coubertin - “cha đẻ” của Olympic hiện đại - đưa ra năm 1894 - là “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” (faster - higher - stronger)...
Đây là 3 tính từ thể hiện khá trọn vẹn vẻ đẹp của thể thao. Nhưng năm nay, theo Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), khẩu hiệu “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” sẽ được bổ sung thêm từ “cùng nhau” (together), nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của tình đoàn kết trong những thời điểm khó khăn như đại dịch Covid-19. Bởi những nỗ lực hợp tác đang mang lại những kết quả nhanh hơn và tốt hơn so với làm việc độc lập. Và “đây là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của chúng ta và điều này phát đi một tín hiệu rõ ràng. Chúng ta đặc biệt nhấn vào sự đoàn kết” - theo IOC.
Đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ở vào giai đoạn cao điểm như hiện nay, tôi thấy chúng ta rất cần phải học theo tinh thần của khẩu hiệu này, để tạo nên sự đồng lòng chống dịch giữa các tầng lớp nhân dân và giữa các địa phương trên cả nước.
Ở Thế vận hội, các vận động viên sẽ cùng nhau tranh tài trên tinh thần “thượng võ”, đua tranh lành mạnh, thi đấu trung thực, cố gắng hết mình trong các môn thi với mục đích cuối cùng là đạt được thành tích cao nhất, phá sâu được những kỷ lục nhưng vẫn phòng tránh dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt quy chế của BTC, quy định của quốc gia đăng cai… Đấy chính là sự đoàn kết, cùng nhau làm nên thành công của kỳ Thế vận hội khó quên trong lịch sử.
Còn trong đời thường, chúng ta “cùng nhau” chống dịch như thế nào?
Cá nhân tôi nghĩ rằng, trước tiên, mỗi người hãy tuân thủ nghiêm các quy định được ban hành tại địa bàn cư trú, hãy cùng nhau ở nhà, không ra ngoài nếu không có việc thực sự cần thiết (theo quy định).
- Chào tuần mới: 'Chuyển trạng thái'
- Chào tuần mới: Niềm tin chiến thắng
- Chào tuần mới: Đừng quên đang sống trong thời dịch
Trong công điện ngày 31/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 phải: “Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm "ai ở đâu ở đấy". Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).
Đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy).
Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục duy trì các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với người dân tại các vùng tâm dịch... Tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
***
Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ khép lại vào Chủ nhật, 8/8 tới. Sẽ còn đọng lại những giọt nước mắt, nụ cười hạnh phúc, những phút giây đua tranh căng thẳng quyết liệt. Nhưng tôi tin các đoàn vận động viên sẽ ra về trong sự đoàn kết, thân ái sau kỳ đại hội mà tất cả cùng hướng tới mục tiêu “cùng nhau”.
Với chúng ta cũng vậy, điều quan trọng nhất trong lúc này đó là tất cả người dân cũng như chính quyền tại các địa phương phải “cùng nhau” chung sức hành động để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tinh thần đó không chỉ cần thiết trong những đợt giãn cách xã hội mà cần tiếp tục cháy mãi như ngọn lửa Olympic.
Xuân An