Chào tuần mới: Tiềm năng của "di sản nghe nhìn"
Giữa hàng loạt thông tin của dòng thời sự chủ lưu, có lẽ còn ít người chú ý tới một sự kiện vừa diễn ra vào ngày hôm qua, 27/10: Ngày Di sản nghe nhìn thế giới (World day for audiovisual heritage).
Hiểu một cách vắn tắt, di sản nghe nhìn là những di sản gắn với quá khứ thông qua âm thanh và hình ảnh ở mọi hình thức. Và, khi hình thành từ năm 1985 từ đề xuất của UNESCO, Ngày Di sản nghe nhìn thế giới là dịp để tôn vinh - cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về nhu cầu cần bảo vệ - loại hình di sản giàu giá trị này.
Tại Việt Nam, trong cách nghĩ, cách hiểu quen thuộc của cộng đồng, khái niệm "di sản nghe nhìn" có thể chưa phổ biến bằng các định nghĩa về di sản khác. Nhưng nhìn vào thực tế đời sống, vào những năm gần đây, bên cạnh loại hình tư liệu truyền thống là văn bản, các tư liệu mang đặc thù "nghe nhìn" cũng bắt đầu được chú ý khai thác trong sự kết nối với quá khứ và truyền thống.
Chỉ một ví dụ đơn giản nhất: Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 vừa qua, rất nhiều ảnh tư liệu - và cả những thước phim - gắn với lịch sử Hà Nội đã được sử dụng trong các sự kiện văn hóa nghệ thuật. Ở đó, với cảm xúc được khơi gợi từ những tư liệu này, người xem như được sống lại những khoảnh khắc quan trọng nhất của Hà Nội theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc 70 năm qua.
Hoặc rộng hơn, trong đời sống thường nhật, chúng ta cũng không còn lạ gì với việc rất nhiều thước phim tư liệu - và cả phim truyện - từ cách đây vài chục năm vẫn được nhiều người thường xuyên xem lại, với sự say sưa và hào hứng. Bởi, ở đó, không chỉ dừng ở thưởng thức nội dung của những thước phim, mà còn mở rộng tới việc nhìn lại nhận thức, tư duy và cả những yếu tố về kinh tế, kỹ thuật hoặc đặc trưng xã hội của một giai đoạn trong lịch sử.
***
Như nhiều chuyên gia từng chia sẻ, các di sản nghe nhìn phản ánh sự sáng tạo của con người và bộ mặt sống động của các nền văn hóa. Để rồi, những "bằng chứng" được ghi lại ấy không chỉ có giá trị lịch sử, giáo dục, mà còn tiếp tục tạo ra sự đối thoại, cảm thông và mở rộng tầm nhìn để định hình hiện tại lẫn tương lai…
Nhưng cũng cần nhìn lại một thực tế: Những di sản nghe nhìn được khai thác trong thời gian qua đa phần đến từ nỗ lực của một số cơ quan, tổ chức và cả những nhóm cá nhân tự phát. Và về bản chất, công việc này đòi hỏi một nguồn lực khá lớn, kể từ khâu lưu trữ, bảo quản tư liệu cho tới việc phục chế, diễn giải hoặc chuyển đổi tư liệu sang những hình thức phù hợp khi đưa vào sử dụng.
Việc số hóa dữ liệu - với chất lượng không phải bao giờ cũng có thể đạt mức tuyệt đối - như nhiều người thường thấy, thực ra mới chỉ là một trong rất nhiều khâu của công việc này. Và trong nhiều trường hợp, chúng ta cũng được nghe nói về việc nhiều kho phim, hoặc tư liệu hình ảnh, đang gặp khó khăn trong khâu bảo quản ở điều kiện khí hậu nóng ẩm, do thiếu kinh phí, thiết bị kỹ thuật hoặc chuyên môn.
Có nghĩa, để khai thác đúng với tiềm năng của các di sản nghe nhìn, câu chuyện vẫn là những giải pháp có tính chiến lược và bền vững. Như cách nói của nhà sử học Dương Trung Quốc, người từng tham gia vận động cộng đồng chia sẻ các bức ảnh để tổ chức thành công triển lãm "Ngày tiếp quản Thủ đô qua ống kính người dân Hà Nội" năm 2004 thì "tư liệu và ký ức vẫn còn trong dân rất nhiều, vấn đề là cách sưu tập và khai thác của chúng ta".