Chào tuần mới: Thích nghi để sinh tồn
(Thethaovanhoa.vn) - Bắt đầu từ 0h ngày 23/4/2020, cả nước đã nới lỏng giãn cách xã hội. Chúng ta vui mừng vì cho đến giờ phút này dịch bệnh được kiểm soát tốt, học sinh một số nơi đã quay trở lại trường…
Nhưng như thế không có nghĩa là đã hoàn toàn hết dịch. Sự thay đổi cốt yếu là chúng ta chuyển sang một giai đoạn phòng, chống dịch mới, dài hơi hơn, căn cơ hơn, cùng với đó là phát triển kinh tế - xã hội. Phải thích nghi "chung sống" với dịch bệnh, tạo dần trạng thái “bình thường mới” trong điều kiện có dịch bệnh…
- WHO: Cần chú trọng giải pháp ứng phó với COVID-19 sau khi nới lỏng các hạn chế
- Nới lỏng các biện pháp hạn chế sớm, dịch COVID-19 có thể tái bùng phát
- Dịch COVID-19: Không nới lỏng các quy định bởi dịch tiềm ẩn nguy cơ bùng phát
Thế giới không ngừng thay đổi, các mùa đến rồi đi, thiên tai rồi dịch bệnh… Sự thay đổi ấy cũng là một phần của cuộc sống, dù chúng ta có thích hay không thích thì nó vẫn cứ xảy ra. Cho nên mọi người cần phải học cách “thích nghi”.
“Thích nghi” không chỉ là làm quen với những biến đổi, mà còn thể hiện sự sáng tạo, khả năng chịu đựng, khả năng lựa chọn những ứng xử phù hợp với thực tế.
Một ví dụ về thích nghi trong tự nhiên mà nhiều người trong chúng ta đều biết, đó là câu chuyện về loài gián. Loài gián xuất hiện trước khủng long cả trăm triệu năm. Ấy vậy mà bây giờ chúng vẫn hiện diện trong ngôi nhà của bạn trong khi khủng long thì đã tuyệt chủng.
Gián là một trong những sinh vật lâu đời nhất tồn tại được cho đến ngày nay. Không những thế chúng còn sưu tập đủ bộ những kỹ năng sinh tồn và trở thành một trong những loài khó chết nhất hành tinh. “Không phải kẻ mạnh hay là kẻ giỏi sẽ là chiến thắng. Người biết thích nghi mới là kẻ sống sót cuối cùng”.
Trong thế giới tự nhiên thì như thế. Còn chúng ta, có khá nhiều bài học về sự thích nghi để có thể chung sống an toàn, vượt lên nghịch cảnh.
Những năm tháng có chiến tranh, đó là hình ảnh các em học sinh ban ngày khi đi học đội mũ rơm phòng chống bom bi, ban đêm thì xách đèn chai tránh bị máy bay phát hiện. Người nông dân thì đã linh hoạt chuyển từ cấy lúa ban ngày sang cấy ban đêm như nhà thơ Lê Anh Xuân ghi lại: “Nhớ sao những buổi cấy đêm/ Tiếng cười nho nhỏ ánh đèn lung linh/ Hỡi em tay cấy nhanh nhanh/ Có anh cầm súng ngồi canh xóm ngoài”, đó cũng là sự thay đổi phù hợp thực tế.
Nhưng bài học về thích nghi trong chiến tranh tiêu biểu nhất có lẽ chính là câu chuyện của vợ chồng Ba Đô trong bộ phim “Cánh đồng hoang”. Đấy là những hình ảnh cuộc sống chân thực, giản dị, hết sức đời thường trong chiến tranh. Chi tiết hai vợ chồng đem theo đứa con nhỏ ra đồng, lợi dụng pháo sáng bắn đêm để gặt lúa nói lên sự linh hoạt, thông minh và cũng rất xúc động.
Thời bình thì sao nhỉ? Tôi muốn nhắc lại bài học về đại dịch AIDS. Bùng phát vào thập niên 1980, căn bệnh thế kỷ này hiện vẫn là một trong những vấn đề y tế nan giải của toàn cầu. Để chung sống an toàn với nó, chúng ta buộc phải thay đổi lối sống, áp dụng các biện pháp văn minh như sử dụng bao cao su, không quan hệ tình dục bừa bãi, rồi các biện pháp khác như dùng kim tiêm một lần, an toàn truyền máu...
Xét cho cùng thì hàng ngày chúng ta vẫn phải ăn, phải uống, đi lại... Đó đều là những hoạt động chứa đựng nguy cơ, chính vì vậy ta phải tuân thủ các biện pháp an toàn: Đừng mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đã uống rượu bia thì không lái xe…
Với đại dịch Covid-19 cũng thế. Cho dù là hiện tại, về cơ bản giãn cách xã hội đã được nới lỏng, nhưng không có nghĩa là đã hết dịch. Chính vì thế mọi người vẫn phải tuân thủ những khuyến cáo của Bộ Y tế. Tiếp tục chấp hành nghiêm túc việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn nơi công cộng, rửa tay bằng nước sát khuẩn, không tụ tập đông quá số người theo quy định...
Và trong khi vẫn chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị Covid-19 thì mọi người vẫn phải đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan. Hãy đọc lại những bài học trong quá khứ để can đảm đương đầu với thực tại, tự tin vượt qua nỗi sợ hãi và hiểu thêm rằng: Cuộc sống luôn luôn đòi hỏi phải như thế.
Martin Luther King JR đã nói rằng: “Đôi lúc cuộc sống thật là khắc nghiệt, rắn như thép đã tôi. Nó có những lúc ảm đạm và đau đớn. Như bất cứ dòng chảy nào của một con sông, cuộc sống cũng có những lúc khô hạn và những khi triều cường. Cũng như sự thay đổi theo chu kỳ từ trước đến nay của các mùa, cuộc sống có cái ấm áp dễ chịu của những mùa Xuân và cái rét buốt của những mùa Đông… Nhưng chúng ta có thể tự nâng mình lên khỏi nỗi chán chường và tuyệt vọng, vươn đến sự vui vẻ của hy vọng và biến đổi các thung lũng hoang vắng, tăm tối thành những lối đi chan hòa ánh nắng của sự thanh bình sâu lắng”.
Hãy thích nghi để sinh tồn và phát triển!
Quốc Khánh