Chào tuần mới: Thầm lặng mà vĩ đại
(Thethaovanhoa.vn) - Nói đến những thiệt hại do bão lũ gây ra, tôi nhớ có đọc được mấy câu thơ của Nguyễn Sỹ Giác miêu tả cảnh lũ lụt năm Ất Mão ở Bắc Hà thế này: “Đê vỡ nhà trôi nước ngập sâu/ Thôn quê khôn xiết nỗi cơ cầu/ Mùa không, đồng trắng pha màu nước/ Năm đói, người xanh rõ sắc rau…”.
Các tỉnh miền Trung của chúng ta cũng vừa trải qua những đợt bão lũ liên tiếp, thiệt hại lên tới trên 30.000 tỷ đồng… Nhìn con số này mới hiểu rằng, những nỗ lực cứu trợ của các cá nhân, tổ chức (ví như con số hơn 170 tỷ đồng do ca sĩ Thủy Tiên vận động) là vô cùng quý giá, nhưng đó mới là sự khởi đầu chứ chưa phải là tất cả để chúng ta có thể yên tâm về miền Trung "hậu" bão lũ.
Cụ thể các cơn bão từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 11 đã làm hàng trăm người thương vong, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ, gần 240.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái. Con số thiệt hại về kinh tế lên tới trên 30.000 tỷ đồng, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là lĩnh vực nông nghiệp.
- Bão số 13 gây nhiều thiệt hại tại các địa phương
- Bão số 13: Quảng Bình có 8 người bị thương, hơn 230 nhà bị tốc mái, hư hỏng
Tại hội nghị thúc đẩy sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai, việc tái thiết cuộc sống, khôi phục và ổn định lại sản xuất cho bà con đã được đưa ra bàn luận.
Để nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề xuất cho người dân miền Trung trồng các nhóm giống ngắn ngày, đảm bảo trong 60 đến 80 ngày phải xong một lứa để người dân có thu nhập trước dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, người dân cũng cần hỗ trợ ứng trước các giống rau, chuyển đổi những loại cây trồng cho phù hợp với khí hậu vùng miền, bảo đảm chịu được mưa bão…
Giải pháp trước mắt là như vậy, thế còn trong tương lai thì sao? Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì: “Cần đánh giá lại toàn bộ để tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế nông thôn miền Trung theo hướng thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan”. Ông cho rằng: “Chúng ta cần xác định sống chung với lũ lụt, mưa bão. Từ đó để đưa ra quy trình sản xuất, giải pháp tổng thể phù hợp với điều kiện này”…
Cho đến lúc này, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho 9 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế và một số nước đã hỗ trợ tiền và hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD (tương đương 500 tỷ đồng).
Nhưng cho dù rất cố gắng thì nguồn lực của Nhà nước cũng như sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế cũng chỉ giúp phần nào cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, giải quyết những vấn đề dân sinh cấp bách và sửa chữa cơ sở hạ tầng… Trong tương lai vẫn cần có những tấm lòng nhân ái, những người làm công tác xã hội thầm lặng, những nhà hảo tâm… Bởi con số thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng do bão lũ là quá lớn, cần rất nhiều thời gian mới có thể “bù đắp” lại được.
***
Mới đây, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt 50 tấm gương tiêu biểu, đại diện cho 400 đại biểu dự lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”.
Đây là những con người đã tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội và có sức lan tỏa rất lớn về tình yêu thương, nhân ái trong xã hội. Đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 cũng như trong đợt bão lũ ở miền Trung vừa qua.
- Thêm tấm lòng hướng về đồng bào miền Trung
- Ban Cứu trợ Trung ương phân bổ 45 tỷ đồng hỗ trợ 11 tỉnh miền Trung,Tây Nguyên
- Tạm cấp kinh phí hỗ trợ khẩn cấp 3 tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ
Nỗ lực của Đảng, Nhà nước không thể bao phủ hết được các hoàn cảnh khó khăn của người dân. Cho nên, trong cuộc sống, trong làng, xóm, vùng núi cao, còn nhiều người vô cùng khó khăn. Vì vậy, những tấm lòng nhân ái, sự hỗ trợ giúp đỡ của cá nhân và cộng đồng là vốn quý để “phủ lại” lần nữa những trường hợp khó khăn ấy cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nhân lên những tấm gương tốt trong cộng đồng, nhân lên những điều đáng quý, lan tỏa tính nhân văn, sự thương yêu đùm bọc của người Việt Nam, “chúng ta lấy cái tốt đẹp dẹp cái xấu”. Tiếp tục phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, “thương người như thể thương thân”, phong trào “cả nước chung tay vì người nghèo...
Chúng ta mong việc làm của “những tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại” ấy sẽ lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng. Khi được nhân lên, đó sẽ là nguồn lực vật chất và tinh thần vô tận giúp đồng bào vượt qua những khó khăn, thử thách, nhất là trong những thời khắc phải oằn mình chống chọi với thiên tai, dịch bệnh…
Quốc Khánh