Chào tuần mới: Sức mạnh từ di sản văn hóa
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang chuẩn bị đón ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 trong một bối cảnh khá đặc biệt: Chỉ 1 ngày sau đó, Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ chính thức diễn ra.
Và, nếu nhìn ngược lại theo thời gian, cả 2 sự kiện ấy đều gắn với những cột mốc lịch sử rất đặc biệt. Ở đó, trong bối cảnh của một quốc gia vừa giành độc lập và đang phải nỗ lực bảo vệ các thành quả cách mạng vừa đạt được, ngày 24/11 của 76 năm trước (1945) chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 65/SL - sắc lệnh đầu tiên liên quan đến vấn đề bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.
Trong khi đó, đúng vào ngày 24/11 của 75 năm trước (1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam cũng diễn ra tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), giữa lúc nước sôi lửa bỏng của đất nước.
Đều diễn ra ở bối cảnh vô cùng đặc thù, những sự kiện ấy đã cùng trở thành cột mốc đặc biệt trong dòng chảy văn hóa Việt Nam suốt 76 năm qua. Và bây giờ, như một sự trùng hợp thú vị, chúng ta lại cùng kỷ niệm 2 cột mốc ấy trong một tuần lễ đặc biệt của năm 2021 - khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới đang được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Thực tế, ai cũng biết, di sản văn hóa là một bộ phận quan trọng để cấu thành một nền văn hóa. Từ năm 2005, gắn với cột mốc 23/11, ngày Di sản Văn hóa Việt Nam đã được thành lập và tổ chức thường niên.
Đó là thời điểm Việt Nam đã có gần 2 thập niên bước vào giai đoạn Đổi mới. Và, bên cạnh những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được, thực tế đã đặt ra những yêu cầu quan trọng về vai trò của việc phát huy giá trị từ các di sản văn hóa trong nhịp sống hiện đại.
Để rồi, nhìn lại quãng thời gian từ 2005, rõ ràng Việt Nam đã có những bước tiến rất cơ bản ở lĩnh vực này. Trong 16 năm - tính đến hôm nay - chỉ riêng ở góc độ các danh hiệu được UNESCO công nhận, việc chúng ta có thêm 3 Di sản Văn hóa Thế giới, 13 Di sản Văn hóa phi vật thể Thế giới, 3 Di sản Tư liệu Thế giới, 3 Công viên địa chất toàn cầu... đã đủ là ví dụ sinh động nhất.
Nhưng, vượt hơn cả thành tích, sự thay đổi nhận thức, tư duy của cộng đồng và cả những nhà quản lý - mới thật sự là động lực để di sản văn hóa được tiếp thêm sức mạnh. Và rất đáng mừng, chúng ta đã nhìn thấy tín hiệu ấy từ rất nhiều vụ việc thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Đó là câu chuyện về cân bằng giữa bảo tồn - phát triển trong việc gìn giữ đàn Xã Tắc, là ý thức nâng niu những kiến trúc đô thị (dù không được công nhận là di tích) như cầu Long Biên, và cả việc đề cao những di sản văn hóa phi vật thể - khái niệm gần như không được biết tới trong 2 thập niên trước.
- Nhiều hoạt động văn hóa tại Phố cổ Hà Nội kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
- Triển lãm 'Không gian Di sản văn hóa Việt Nam' được tổ chức vừa trực tiếp vừa online
- Tổ chức Tuần 'Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam' từ ngày 18-23/11
Rất nhiều địa phương đã và đang lấy di sản văn hóa làm hạt nhân cho giấc mơ thoát nghèo, thậm chí là tái cấu trúc quy hoạch kinh tế để thay công nghiệp “có khói” bằng “không khói”. Và ngược lại, trong rất nhiều trường hợp, cộng đồng cũng đã biết lên tiếng bảo vệ di sản trước nguy cơ bị khai thác theo kiểu manh mún, ăn đong và thiếu đi sự bền vững lâu dài.
Bây giờ, trong sự chi phối của làn sóng công nghệ 4.0 và gần nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang làm thay đổi nhu cầu và thói quen của xã hội, rõ ràng việc phát huy giá trị của di sản văn hóa lại đang đặt ra những yêu cầu mới về tư duy và phương thức tiếp cận. Việc một loạt các di tích, điểm đến của Việt Nam trong thời gian qua đẩy mạnh tổ chức những tour tham quan online hay triển khai áp dụng các công nghệ hiện đại là chỉ số cho thấy chúng ta bắt đầu làm quen với thực tế ấy.
Đó có thể là một chặng đường dài, nhưng rồi sẽ tới đích, như cách chúng ta đang dần biết biến di sản văn hóa thành nội lực quan trọng của cả một nền văn hóa, và xa hơn là của cả xã hội, như thực tế đã có trong suốt những năm qua.
Trí Uẩn