Chào tuần mới: 'Sách trao tay, học ngày giãn cách'
(Thethaovanhoa.vn) - Dù dịch bệnh còn hoành hành nhưng không khí ngày tựu trường đang nóng lên từng ngày khi tuần qua, hàng chục địa phương đã thông báo lịch tựu trường năm học mới.
Không có gì bất ngờ khi học sinh nhiều địa phương sẽ trải qua ngày tựu trường, ngày khai giảng và có thể cả những ngày đầu năm học mới với hình thức trực tuyến. Bởi lẽ, việc học online trong những ngày chống dịch, nhất là khi phải giãn cách xã hội, đã trở thành chuyện "bình thường mới" của học sinh các cấp.
Đặt trong bối cảnh ấy, ta càng thấy chương trình Sách trao tay, học ngày giãn cách do Thành Đoàn TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam và Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp tổ chức, đã lan truyền một thông điệp rất có ý nghĩa ngay trước thềm năm học.
Chương trình đã trao tận tay người dân trên địa bàn thành phố đang bị giãn cách xã hội vì Covid-19 hàng trăm tựa sách, với hơn 10.000 ấn bản - cả sách giấy và sách điện tử. Ông Lê Hoàng (Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam) nói rằng, bên cạnh những lo toan về đời sống, việc ở nhà trong một thời gian dài, đọc sách, học từ sách vở cũng là một chọn lựa khá hợp lý.
Có thể không phải tất cả những người nhận sách đều sẽ đọc hết những cuốn sách ấy, vì giữa đọc sách, xem truyền hình, lên mạng… đa số sẽ được 2 cái sau thu hút nhiều hơn. Theo một khảo sát quốc tế thực hiện cách đây ít lâu, Việt Nam có 44% số người thỉnh thoảng mới đọc sách, 26% không đọc sách. Còn theo công bố năm 2019 của Cục Xuất bản, bình quân mỗi năm 1 người Việt Nam đọc gần 1 quyển sách.
Nhưng khi những quyển sách tìm đến tận nhà, cũng sẽ có những người lâu rồi không đọc sách, nay sẽ thử đọc lại. Hơn nữa, giá trị gián tiếp của chương trình “Sách trao tay, học ngày giãn cách” là nhắc nhớ nhiều người nghĩ về những nhu cầu khác, giá trị khác, ngoài nỗi lo cơm áo, bệnh tật giữa lúc giãn cách vì đại dịch.
Victor Hugo từng nói: “Chính từ sách mà những người thông thái có được niềm an ủi trước những muộn phiền của đời sống”.
Voltaire thì nói rằng: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, rồi nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”. Trong sách “Ấu học ngũ ngôn thi” (Trẻ học thơ năm chữ) ngày xưa có đoạn: “Di tử nhất quỹ ngọc/ Bất như nhất quỹ thư/ Thư trung tự hữu ngọc”. Tạm dịch là: Để cho con hòm ngọc/ Không bằng để hòm sách/ Trong sách có ngọc quý.
- Chào tuần mới: Giữa dịch, nghĩ tới ngày tựu trường
- Chào tuần mới: 'Pháo đài' phòng chống dịch
- Chào tuần mới: 'Ta bước vào tháng Sáu mùa thi…'
Việc đọc sách vốn là chuyện riêng lẻ của mỗi người, nhưng việc khuyến đọc thì cần có không khí chung, có phong trào thì mới giúp lan tỏa đến cộng đồng nhiều hơn. Nếu nhìn như vậy, chương trình “Sách trao tay, học ngày giãn cách” sẽ không là “hạt muối bỏ sông”, mà sẽ có những tác động nhất định, thiết thực. Đây cũng không phải là chương trình đầu tiên, càng không phải cuối cùng, đã có nhiều hoạt động khuyến đọc, khuyến học diễn ra giữa lúc giãn cách xã hội.
Khi cuộc sống bình thường, nhiều người vốn thích đọc sách đã than rằng do quá bận rộn, không còn thời gian để đọc nữa. Nhiều cuốn sách mua về đọc hoài không hết, nên tủ sách thì ngày càng nhiều lên, tốn tiền mua, chiếm không gian nhà, mà tri thức thì chẳng thêm bao nhiêu. Giãn cách ở nhà nhiều ngày, những người này có thể sẽ tìm lại được sở thích đọc sách của mình, nhiều người đã chia sẻ những cuốn sách hay lên mạng cá nhân sau khi đọc. Giờ có thêm “Sách trao tay, học ngày giãn cách” từ bên ngoài tác động vào nữa, chắc việc đọc sách sẽ có thêm động lực.
Bàn về sức mạnh và sự cứu rỗi của sách đối với đời sống, Mahatma Gandhi nói: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”.
Như Hà