Chào tuần mới: 'Quá tốt để lãng phí'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày hội Mottainai 2019 "Giáng sinh Trao yêu thương- Nhận hạnh phúc" vừa diễn ra tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) với một loạt những hoạt động như: ủng hộ đồ đã qua sử dụng, đóng góp quầy hàng từ thiện, bán đấu giá đồ tặng chương trình, trao quà, học bổng cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông…
Tôi cũng chưa rõ triết lý Mottainai - nguồn gốc từ Nhật Bản - được du nhập vào Việt Nam từ khi nào. Nhưng với những người đã từng công tác, học tập hay làm việc cùng với người Nhật thì không lạ gì Mottainai. Trong tiếng Nhật nghĩa của từ này là “lãng phí quá”, được người Nhật sử dụng để cảm thán khi bỏ đi những món đồ không dùng nữa nhưng vẫn còn giá trị sử dụng. Chúng vẫn còn quá tốt, không nên để lãng phí, hay nói ngắn gọn “Quá tốt để lãng phí”…
Nói một cách đơn giản, Mottainai chính là cách tiếp cận của riêng người Nhật Bản với đồ cũ nhằm mục đích nâng cao nhận thức về môi trường. Khi người Nhật nói Mottainai thì nó có nghĩa là "đừng lãng phí" cho nên Mottainai cũng trở thành đại diện cho nhận thức về môi trường tại Nhật Bản và là bí quyết giúp cho người Nhật bớt lãng phí.
Không chỉ tập trung vào việc tránh lãng phí, thuật ngữ này còn thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên và lòng biết ơn của con người tới nguồn tài nguyên quý giá. Qua thuật ngữ này, người Nhật cũng bày tỏ sự hối hận về việc làm lãng phí các tài nguyên thiên nhiên, kể cả tri thức và kỹ năng được sử dụng sai mục đích.
Một ví dụ về Mottainai trong xã hội Nhật Bản hẳn mọi người vẫn nhớ. Đó là câu chuyện năm 2005, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đã yêu cầu các nhân viên văn phòng áp dụng phong cách "Cool Biz" khi đi làm, cụ thể là họ có thể từ bỏ cà vạt, áo sơ mi, quần âu để cơ thể được mát mẻ và không phải sử dụng điều hòa. Qua đó tiết kiệm điện năng tiêu thụ.
Trong các công ty sản xuất, khi vào nhà xưởng chúng ta sẽ khó gặp chuyện ốc vít hay là nguyên vật liệu rơi vãi. Những vật dụng hư hỏng, đồ bảo hộ lao động cũ sẽ được gom lại đưa về đúng nơi quy định, không có chuyện vứt bừa bãi hay đổ ra thùng rác.
***
Khởi nguồn từ một hoạt động mang tính tiết kiệm ở Nhật Bản nhưng khi vào Việt Nam, Mottainai đã được mở rộng nâng tầm ý nghĩa và nhân văn để trở thành hoạt động của cả một cộng đồng.
Trong chương trình năm thứ 7 này, Ban tổ chức sẽ trích một phần quỹ để trợ giúp các em nhỏ mất cha/mẹ do tai nạn giao thông, các em là nạn nhân trực tiếp của tai nạn giao thông… nhằm chia sẻ những mất mát, nỗi đau mà các bé và gia đình đang phải gồng mình chống chọi, đồng thời kêu gọi ý thức của cộng đồng trong việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cho chính mình và mọi người. Ngoài ra, hàng trăm em nhỏ thiệt thòi ở Hà Nội và TP.HCM đều được tham gia các hoạt động của Ngày hội Mottainai 2019 và nhận quà từ chương trình.
Không có cơ hội tham dự các chương trình như thế này, chúng ta có cách nào để áp dụng Mottainai trong cuộc sống hay không?
Với riêng cá nhân tôi, những năm hợp tác làm việc với người Nhật, có khá nhiều bài học, câu chuyện về triết lý Mottainai tôi đã học được để rồi giờ đây đã thành thói quen về ý thức tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày. Có thể kể ví dụ như là thói quen sử dụng giấy một mặt khi làm việc, viết bài. Hay là việc tận dụng bằng hết những mẩu bút chì, tờ giấy dán note, dùng lại vỏ chai nước đã uống hết là điều bình thường. Chuyện xé ngay tờ lịch tường để ghi chép thông tin cũng không phải là những giai thoại.
Đối với các gia đình, khi mà thời gian đã bắt đầu những ngày của tháng cuối cùng trong năm Dương lịch, chuẩn bị cùng nhau đón một năm mới. Thói quen dọn dẹp nhà cửa, thay thế vật dụng trong nhà là những việc mà nhiều gia đình hay làm. Chúng ta hãy mạnh dạn áp dụng Mottainai vào việc sàng lọc, phân loại quần áo, sách báo, đồ dùng cũ cẩn thận, đóng gói cho gọn gàng, sạch sẽ và chuyển đến các cơ sở từ thiện ủng hộ cho đồng bào còn thiếu...
Đó cũng là áp dụng thành công Mottainai vào cuộc sống.
Xuân An